Thứ Năm, 25 tháng 12, 2008

Nỗi buồn 58 năm

Anh rể tôi là Lê Văn Tấn, sinh năm 1939. Cha anh ,ông Lê Văn Vân, là công nhân đồn điền cao su ở Trảng Bom . Vì tham gia cách mạng nên cha anh bị địch bắt và đày ra Côn Đảo . Sau khi ông bị địch bắt, gia đình phải chuyển chỗ ở. Sau một thời gian đến chỗ ở mới thì anh thoát ly theo cách mạng vào năm 1950 (khi anh mới 11 tuổi). Khi ấy anh có một người em gái là Lê Thị Tới . Năm 1954 anh tập kết ra Bắc và từ khi thoát ly (1950) đến nay anh không nhận được một tin tức gì trực tiếp của người thân . Chỉ có một lần , một người cũng là bộ đội miền Nam tập kết có kể với anh rằng có gặp mẹ anh là bà Cao Thị Đầm, bà đã đi bước nữa và có một người con gái nữa tên là Ngọ. Anh nhớ rằng khi anh thoát ly thì cô anh , bà Lê Thị Nhuần đang công tác ở tỉnh đội Biên Hòa. Anh rể tôi luôn khẳng định anh quê ở Trảng Bom.

Từng ấy thông tin đối với một cậu bé 11 tuổi , mà trước đó vài năm đã sống thiếu cha, đã là quá nhiều. Nhưng nó lại vô cùng ít ỏi cho một cuộc tìm kiếm, nhất lại là một cuộc tìm kiếm sau 58 năm với biết bao nhiêu là bom đạn, chia cắt, chiến tranh, giặc giã…Bản thân anh rể tôi cũng đã có nhiều lần cất công tìm kiếm hàng tháng trời nhưng kết quả thì ngày càng vô vọng.

Những điều anh nói ra anh tin là như vậy, cả gia đình tôi đều tin như thế . Chắc là những người quen biết anh cũng tin như thế. Anh rể tôi , nhất là từ sau khi về hưu thì hay ngồi trầm ngâm nghĩ ngợi xem còn chỗ nào mà mình chưa tìm tới .Và khi có chương trình NCHCCCL trên VTV1 thì anh chị tôi quyết định nhờ đến chương trình coi như là còn nước còn tát. Những người làm chương trình đều không thấy có hy vọng nhiều. Tuy nhiên đội tìm kiếm của chương trình cùng với anh tôi ròng rã nhiều tháng trời đã quần nát khu vực Đồng Nai , Trảng Bom . Nhưng vô vọng vẫn hoàn vô vọng. Và câu hỏi „Mình là ai?“ đã hành hạ anh tôi trong suốt 58 năm trời.

Nhưng cho đến ngày 3-5- 2008 khi chương trình „Như chưa hề có cuộc chía ly“(NCHCCCL) số 6 được phát sóng trên VTV1 thì có một người đã phát hiện ra những sai lầm „chết người“ của anh rể tôi. Và kỳ lạ hơn, người đàn ông này ra đời sau anh rể tôi những 8 năm và quê lại tít tận Nam Định.

Trong chương trình NCHCCCL Số 7 phát ngày 7-6-2008, người đàn ông này đã bay từ Nam Định vào TP HCM và tại trường quay ông đã trình bày một bản gia phả to bằng cái chiếu . Ông tự giới thiệu ông tên là Lê Văn Tự, trưởng chi họ Lê thôn Trung Phụng xã Hải Quang, Hải Hậu ,Nam Định . Bố ông là ông Lê Văn Toán.là anh cả của gia đình có 5 anh em .Ông Toán có 3 người con. Hai con đầu là liệt sỹ. Do vấy ông Tự tuy là con út nhưng bây giờ lại là trưởng họ. Sau giải phóng nhờ sự gặp gỡ với 1 anh bộ đội quê ở Nam Định đóng quân gần nhà cô Nhuần , đại gia đình họ Lê đã cử người vào tìm được cô Nhuần và cô em họ Lê Thị Tới . Đồng thời cũng biết được tin bà Cao Thị Đầm đã đi bước nữa ở Long Khánh. Ông Tự chỉ vào bản gia phả và nói: chú Lê Văn Vân , vào năm 1940 , đã đưa vợ là bà Cao Thị Đầm là người cùng làng và con là Lê Văn Tấn (lúc đó mới 1 tuổi) cùng với cô là bà Lê Thị Nhuần vào Nam làm phu cao su. Năm 1960 gia đình ông đã nhận được bưu thiếp của bà Cao Thị Đầm báo tin chồng đã bị giặc bắn chết tại Suối Đen , Biên Hòa và con trai là Lê Văn Tấn thì thất lạc, hoàn toàn không có tin tức gì. Gia tộc họ Lê cũng rất để ý tìm kiếm anh Tấn nhưng tuyệt nhiên không có một tia sáng mong manh nào… Cho đến tận ngày 3-5 -2008 ông Tự đã ngồi trước tivi để xem chương trình NCHCCCL số6… Và sau đó thì mọi chuyện chỉ còn là vấn đề kỹ thuật của đội tìm kiếm dưới sự điều hành của Thu Uyên…

Vậy là với lòng tha thiết mong mỏi đến tột cùng tìm được người ruột thịt, sự kiên quyết bền bỉ quyết không để cho gia phả bị đứt mạch của một dòng họ lại gặp được những tấm lòng cao thượng của những người làm chương trình NCHCCCL, anh rể tôi sau 58 năm đã gặp lại được 4 người em ruột và cả đại gia đình trong Nam ngoài Bắc. Điều đặc biệt là các em của anh dù hoàn toàn sống ở trong Nam nhưng lại nói tiếng Bắc (chắc là vì được sống với mẹ), chỉ có anh có 21 năm sống ngoài Bắc nhưng lại nói rặt tiếng Nam . Và bây giờ anh mới biết rằng quê anh là ở Hải Hậu, Nam Định . Thật là đáng tiếc vì mẹ anh chỉ vừa mới mất cách đây 6 năm , còn cô anh chỉ vừa mới mất cách đây có 3 năm. Nếu như hàng bao nhiêu lần trước đây và gần đây cùng với đội tìm kiếm khi đến Trảng Bom anh không rẽ phải mà rẽ trái (em gái anh ở xã Quảng Tiến nằm ở bên trái Trảng Bom). Nếu như ngay sau giải phóng ở những nơi anh đã đi tìm gia đình : Biên Hòa , Đồng Nai, Long Khánh , Vũng Tàu anh đến gặp chủ tịch xã(vì cô ruột anh lúc ấy là chủ tịch xã của 1 trong những xã mà anh đã đi qua )…Nhưng thực ra chữ" nếu" chỉ có trong suy nghĩ của con người chứ lịch sử thì làm gì có chữ nếu!


Suốt cả cuộc đời, anh rể tôi chỉ hy vọng tìm được một người thân cũng được, nay anh đã tìm được 4 người em ruột . Mỗi người đều có 7-8 người con và 14-15 cháu nội, ngoại . Vừa rồi chị tôi viết thư cho tôi kể về chuyến đi về quê Hải Hậu, Nam Định là "họ hàng đông không kể xiết". Cuộc đoàn viên kỳ lạ này sẽ được phát trên NCHCCCL vào ngày 03-1-2009 . Ở vào tuổi 70 anh rể tôi mới biết quê của mình là ở miền Bắc chứ không phải miền Nam . Bốn người em của anh đều theo đạo, vì theo nếp nhà , còn anh lại là người vô thần .


Tôi viết những dòng này vào dịp Noel 2008. Vào tối hôm Noel cứ 2 người Đức thì có một người đi đến nhà thờ. Cả những người cựu giáo và tân giáo đều tin có Chúa trời . Tôi không hiểu có Chúa trời thật hay không ? Nhưng có lẽ có tồn tại một thế lực quyền năng nào đó . Quyền năng này không phải là con người nhưng lại rất thấu hiểu con người . Không phải là con người vì con người thì làm sao có đủ kiên nhẫn để bày ra một thử thách cho một con người khác đến những 58 năm ? Nhưng quyền năng này lại rất thấu hiểu con người nên nó có thể biến những giấc mơ tưởng chừng như không tưởng, nhưng hợp đạo lý đất trời, thành hiện thực.

Ảnh : Hai anh em gặp lại sau 58 năm (Ảnh nguồn Thanh Niên Online )


Thứ Hai, 8 tháng 12, 2008

Thảm kịch ở Aden và câu chuyện Mogadischu

(tiếp theo và hết)

PHẦN 4 : CHUYỆN HÔM NAY

Cô chiêu đãi viên trẻ nhất trong phi hành đoàn Gabi chứng kiến cảnh ông Schuman bí một phát đạn xuyên qua đầu đổ vật trước mặt mình . Lúc ấy cô đã khóc rất to mặc cho hăm dọa . Cô cảm thấy như không còn gì ý nghĩa nữa . Chỉ đến khi ở Mogadischu khi nghe thấy tiếng súng nổ và tiềng thét :Tất cả cúi đầu xuống ! Thì Gabi mới tin rằng mình còn sống. Tuy nhiên một trái lựu đạn của bọn khủng bố ném ra đã khiến cô bị thương ở chân . Rất may đó chỉ là mảnh thủy tinh bắn vào. Khi về đến Frankfurt (Mai) người đầu tiên mà cô nhìn thấy là Rüdeger với cặp mắt tràn đầy nước mắt . Có ai thay thế được anh ấy không ? Tháng 4-1978 họ làm đám cưới . Cũng trong năm ấy cô đẻ con trai đầu, 10 năm sau thì có cô con gái thứ hai.
Gabi nói , biến cố đã làm cho cô trở thành một người khác . Không sợ bay nhưng rất nhạy cảm với các động tác của hành khách. Cô còn bay đến năm 1980 thì chuyển sang làm nghệ thuật . Thử sức với vài loại chất liệu, cuối cùng cô phát hiện ra gỗ là nơi có thể thể hiện được mình . Hiện nay tác phẩm của Gabi được bày bán ở khắp châu Âu . Có người nói lẩn khuất đâu đó trong tác phẩm của Gabi vẫn có một chút gì đó của „Mogadishu“ . Gabi có một trang Web riêng để giới thiệu các tác phẩm của mình : www.lutzau.de. Cô Gabi năm xưa nay đã 54 tuổi và tên gọi đầy đủ là :Gaby von Lutzau , tuy nhiên mọi người vẫn quen gọi là „ Thiên thần „Mogadischu“. Cho đến bây giờ „Thiên thần „ vẫn thỉnh thoảng giở chiếc nhẫn của người hành khách Do Thái trên „Lanshut“ mà cô cứu, đã tặng trước lúc chia tay cách đây 31 năm, ra xem . Và coi đó như một niềm vinh dự của đời mình.
"Người hùng Mogadishu " Wegener năm nay đã 78 tuổi , về hưu đã lâu, sống cùng vợ ở ngoại ô Bonn . Khi tấn công lên "Landshut " vì phía Somalia chỉ cho phép mang vào đất nược họ đúng 30 chiếc áo giáp . Nên khi kiểm tra lần chót trước khi tấn công ông phát hiện ra có một người nhóm trưởng không có áo giáp . Người này đã có vợ , con. Ông bèn nhường áo giáp của mình cho người này. Áo giáp chống đạn hồi ấy có 16 lớp. Khi cuộc tấn công kết thúc thì chính ông này phát hiện ra có một đầu đạn nằm ở lớp thứ 14.
Cho đến bây giờ ông Wegener vẫn khẳng định : Chúng tôi đến Mogadischu để cứu người chứ không phải để giết người ! Và chúng tôi đã đạt được điều đó !
Chúng ta hẳn còn nhớ mẹ con người hành khách suýt chết ở phần 1 của bài viết này : bà Birgitt Röhll ? Bà ngồi ở hàng ghế thứ 11, chỉ cách xác ông Schuman có vài hàng ghế . Khởi đầu khi bắt đầu tấn công bọn không tặc tiến lên từ phía sau . Bây giờ khi đi nhà hàng bà luôn chọn chỗ lưng áp sát vào tường. Mỗi năm bà vẫn đều đặn đi máy bay đến Mallorca để nghỉ và thăm bạn . Tuy nhiên khi" check in" được hỏi : Cửa sổ hay lối đi ? thì bao giờ bà cũng trả lời :Đâu cũng được nhưng nếu có thể thì cho tôi ngồi ở phía sau. Mà tốt nhất là hàng ghế cuối cùng!.

Nhà đàm phàn tài ba Wischnewski (người ta hay gọi thân mật là Ben Wisch) đã chết ở tuổi 85 vào năm 2005 . Lật lại báo chí vào thời gian ấy thấy tờ Spigel (Tấm gương) viết : Ông là một nhà chính trị hiếm hoi được rất nhiều người yêu mến.
Nhìn tấm ảnh chụp ông lúc đã già nhưng người ta vẫn cảm thấy ông là một người vừa uyên bác lại vừa ranh mãnh.
Ở một đoạn phim tài liệu quay cảnh ông Helmut Schmidt phát biểu trước quốc hội sau khi chiến dịch giải cứu kết thúc thắng lợi , đại ý : Trước những biến cố quan trọng , người ta có thể quyết định thế này hoặc thế khác. Các quyết định đó có thể đúng hay sai . Nhưng ở những sự việc phức tạp thì việc đúng hay sai phải trong tương lai mới biết được. Tuy nhiên tôi xin nhận lãnh tất cả trách nhiệm trong sự vụ này.
Ở trong đoạn phim tài liệu trích lại này người ta không thấy tiếng vỗ tay. Nhưng ở một đoạn phim tài liệu khác cũng trong thời gian này (1977) người ta thấy tiếng vỗ tay vang dội khi chính phủ CHLB Đức quyết định ngay một khoản viện trợ phát triển 200 triệu DM cho Somalia.
Ông Schmidt năm nay đã 89 tuổi. Sau khi xem xong phim "Mogadischu" tối 30-11 vừa rồi có một Blogger (chắc là cũng đã có tuổi ) đã viết : Xem phim xong tôi nhớ lại thời gian lúc đó (1977) . Khi được tin máy bay bị bắt cóc tôi nghĩ ngay : Chúng ta lại cần đến Helmut Schmidt ! Và quả thật ông ấy đã không làm chúng ta thất vọng.
Phi công phụ Vietor năm nay đã về hưu, 65 tuổi . Hồi đó khi bay "mù" đến Mogadischu trong điều kiện thời tiết rất xấu và tình trạng kỹ thuật máy bay không đảm bảo đã khiến cho Mahmud cũng phải cảm phục. Khi đến Mogadischu thì Mahmud đồng ý cho phép ông thoát khỏi máy bay. Nhưng ông kiên quyết ở lại với hành khách của mình. Về sau ông được nhà nước tặng huân chương "Vì những thành tích trong phục vụ ". Năm nay ông có ý định đi khắp đất nước Canada nhưng , ông bảo, bằng ôtô chứ không phải bằng máy bay.
Còn chiếc "Landshut" (vốn là Boeing 737) sau "Mogadischu" thì được sửa chữa lại. Bay tiếp cho Lufthansa chở khách cho đến năm 1985 . Cuối cùng nó làm máy bay vận tải tuyến Nam Mỹ . Đến 14-2-2008 thì do hư hỏng nặng, nó dừng bay.

Người ta không nhắc nhiều đến nhóm khủng bố. Có những hành khách trên chuyến bay đó nói rằng : Không nên bắt Mahmud phải chịu trách nhiệm, đơn giản chỉ vì là hắn bị bệnh.
Cũng có thể những người này thực hiện một cuộc khủng bố trên một chiếc máy bay bởi vì họ cảm thấy cả quê hương , đất nước và dân tộc họ cũng đang bị khủng bố ?.

Nhớ rằng trong phần 2 có nói rằng còn duy nhất "Con béo " sống sót. Tên thật của "Con béo " là Andrawes . Cô bị xử ở Somalia 20 năm tù , nhưng chỉ ở tù khoảng 2 năm thì được thả ra. Năm 1991 cùng chồng và con gái Laila ( năm nay 23 tuổi) chuyển đến Oslo. Nhưng tại đây đã bị cảnh sát Đức truy nã và dẫn độ về Đức năm 1994. Ra tòa ở Hamburg năm 1996 lãnh án 12 năm tù . Năm 1997 được chuyển về thi hành án tiếp tục ở Oslo. Tại đây đến năm 1999 thì được phóng thích vì lý do sức khỏe. Năm 1995 trả lời phỏng vấn trên Spiegel , Andrawes nói : Từ sau vụ Mogadischu xảy ra , một thời gian dài sau đó tôi sống trong sợ hãi.
Cuối tháng trước (11/2008) Andrawes đã không trả lời trực tiếp vào câu hỏi của phóng viên báo Bild (Bức tranh) : Bà có cảm thấy ân hận với những việc làm của mình không ? mà chỉ nói : Tôi chỉ là một hạt cát nhỏ trong một vở kịch lớn.
Cũng vào tháng trước, qua 14 lần xét duyệt , tòa án tối cao Đức đã quyết định vào đầu năm sau, sẽ phóng thích tù nhân chung thân Klar sau 26 năm ngồi tù. Kristian Klar là một trong những lãnh đạo quan trọng của R A F . Klar phải chịu trách nhiệm trực tiếp ở 9 vụ giêt người (trong đó có vụ ông Schleyer nói ở các phần trên) và có liên quan đến 14 vụ mưu sát khác .
Dư luận dấy lên một làn sóng phản đối mạnh mẽ . Tất cả những người có liên quan đến „Mogadischu“ đều lên tiếng .
Ông Buback (con ông Schleyer ): - Cha tôi đã bị hạ sát lần thứ hai !
Gabi (nay la Gaby von Lutzau) :- Tôi không bao giờ tha thứ cho những kẻ khủng bố !
Ông Wagener :- Những nạn nhân của khủng bố sẽ chịu đau đớn đến hết đời . Còn những kẻ khủng bố thì không! Liệu có công bằng ?.
Ông Vietor đã trả lại tổng thống Horst Köhler chiếc huân chương mà ông đã nhận được sau vụ „Mogadishu“ cùng với một bức thư gửi cho tổng thống . Trong đó ông viết :- Việc phóng thích Klar là nhạo báng những nạn nhân của bọn khủng bố , cho dù họ còn sống hay đã chết !
Tất cả những người dù vô tình hay hữu ý có liên quan đến „Mogadischu“ đều không quên được nó . Và còn rất nhiều người nữa cũng không thể nào quên được. Có lẽ , „Mogadischu“ như một trong muôn lời nhắc nhở loài người khi kiêu căng cho rằng mình là loài hoàn thiện nhất trong muôn loài. Loài người có thể đã hoàn thiện về mặt thể xác . Nhưng về nhận thức thì còn rất nhiều, rất nhiều khiếm khuyết . Trong những khiếm khuyết ấy có những khiếm khuyết nguy hiểm. Nguy hiểm bởi vì nó dẫn đến hủy diệt chính loài người. Từ rất lâu, rất lâu rồi loài người đã biết gọi những khiếm khuyết ấy là tội ác.


Ảnh 1 : Rüdeger đón Gabi tại Frankfurt (Mai) 18-10-1977. Họ sống với nhau cho đến bây giờ.
Ảnh 2 : Gabi (Gaby von Lutzau) bên tác phẩm.
Ảnh 3 : Wegener 2008
Ảnh 4 : Gia đình bà Birgitt Röll ngay sau khi được giải cứu . Stefan 10 tuổi.
Ảnh 5 : Hai mẹ con bà Birgitt Röll 2008, con trai Stefan 41 tuổi.
Ảnh 6 : Wischnewski
Ảnh 7 : Vietor 2008
Ảnh 8 : Andrawes 1977
Ảnh 9 : Andrawes ảnh chụp 11/2008 trước căn hộ ở Oslo, chiếc nạng là hậu quả của "Mogadischu"
Ảnh 10 : Ông Schleyer bị bắt cóc (cảnh phim dựng lại)

(Ảnh nguồn báo Bild và Spiegel)

HẾT

Thảm kịch ở Aden và câu chuyện Mogadischu

(Tiếp theo)
PHẦN 3 : HÀNH TRÌNH CỦA NGƯỜI VỢ GÓA VÀ BỘ PHIM TRI ÂN

Ngay sau khi vụ bắt cóc xảy ra, Lufthansa đã báo cho Monika Schuman vợ của cơ trưởng Jürgen Schuman biết . Bà đã trải qua bao lo âu sợ hãi . Nhưng không bao giờ bà nghĩ đến việc những kẻ bắt cóc lại bắn chết cơ trưởng .
Sau khi bị bắn chết ở Aden, xác ông Schuman nằm hàng tiếng đồng hồ trên lối đi . Những ai muốn đi toalet phải bước qua xác ông. Sau đó xác ông được nhét vào một chiếc tủ theo tư thế đứng. Khi đến Mogadischu xác ông được vứt xuống theo một cái máng. Hồi đấy chưa có cách nào để có thể nhận diện được ngay . Nhưng khi có thông tin báo về rằng trong túi xác chết có một quyển lịch bìa màu vang đỏ . Đến lúc ấy thì Monika muốn ngay lập tức bay đến Somalia. Tuy nhiên Lufthansa đã đưa ra rất nhiều lý do để ngăn cản bà và dần thì bà đoán ra có thể có một cuộc giải cứu .
Quyển lịch túi màu vang đỏ đến nay Monika vẫn giữ và nó dừng lại ở ngày 13-10-1977. Đó cũng chính là ngày mà số phận đã đặt lên vai bà một gánh nặng. Gánh nặng này theo đuổi bà suốt 31 năm qua.
Cuộc giải cứu „Landshut“ kết thúc thắng lợi vào 0h5` ngày 18-10-1977, vào ngày này cả CHLB Đức như vỡ òa trong vui sướng . Riêng Monika thì không . Ngoài nỗi đau mất chồng người phụ nữ 34 tuổi có 2 con này cảm thấy mình sẽ không thể mang nồi ý nghĩ ông Schuman là kẻ phản bội . Nhiều hành khách trên „Landshut „ hôm đó cũng tin lời Mahmud, cho rằng ông đã định bỏ mặc họ ở Aden.
Bà nhớ lại: xuất thân là một phi công lái máy bay chiến đấu, Schuman là một người có ý thức trách nhiệm rất cao . Chúng tôi thường nói chuyện với nhau về tất cả mọi đề tài và cách đó mấy tháng khi Schuman được làm cơ trưởng, thì cả về đề tài cướp máy bay. Ngay từ khi còn lái máy bay chiến đấu anh ấy đã hứa với tôi : anh không bao giờ mang tính mạng của anh để làm những việc không cần thiết.
Chính vì tình yêu với người chồng đã mất mà biến cố khủng khiếp này đã làm cho Monika trở thành một người đàn bà mạnh mẽ. Bắt đầu khởi nghiệp là phóng viên của một đài phát thanh , rồi quay phim truyền hình, dẫn chương trình, và cho đến khi về hưu mọi người đều thừa nhận Monika là một phóng viên truyền hình thành đạt . Bà thường xuyên làm việc từ 9 giờ sáng đến 12 giờ đêm .
Bà đã đi rất nhiều nơi, gặp gỡ nhiều người , thậm chí cả Scheich Ahmed Mansur là tư lệnh không quân của Yemen hồi đó . Bà quyết phải tìm được cho ra sự thật - cho chính mình và cho các con trai- về những giây phút cuối cùng của chồng nhất là trong 20 phút ông vắng mặt ở Aden. Và cuối cùng bằng những nhân chứng sống bà đã chứng minh được trong 20 phút ở Aden Schuman đã van nài phía Yemen ngăn cản không cho „Landshut“ bay tiếp . Nhưng phía Yemen kiên quyết từ chối. Schuman quyết định trở lại máy bay mặc dù biết rằng điều đó rất nguy hiểm . Bà cũng chứng minh được chính Schuman là người đã bí mật truyền tin ra ngoài về quân số, vũ khí , trang bị của bọn khủng bố . Ngoài ra ông không những cứu mạng của người lái phụ Vietor mà còn cho ba hành khách bị nghi là người Do Thái nữa. Bà đã viết rất nhiều thư cho thủ tướng Helmut Schmidt và cơ quan phụ trách giải quyết khủng hoảng. Thậm chí bà đã chất vấn về trách nhiệm của chính phủ Yemen trong vụ việc .
Dường như những nhà làm phim đã thấu hiểu bà . Và bộ phim „Mogadishu“ lần đầu tiên đã được trình chiếu trên kênh truyền hình A R D vào lúc 20h15` ngày 30-11-2008. Bộ phim đã thu hút 7,4 triệu khán giả. Trong phim đã dựng lại một cách xác thực những giây phút cuối cùng của ông Schuman . Khán giả nhiều người đã rơi lệ khi trên nền đen của màn ảnh hiện lên dòng chữ : Tặng Jürgen Schuman .

Ảnh 1: Monika trong đám tang chồng ,1977.
Ảnh 2: Monika Schuman hiện nay (65 tuổi, đã về hưu)
Ảnh 3 : Sau khi tái hiện lại những hành động dũng cảm của cơ trưởng "Lanshut" các nhà làm phim đã giành sự kính trọng cho ông bằng dòng chữ hiện lên khi kết thúc bộ phim : Tặng Jürgen Schuman. (Ảnh trong phim "Mogadischu")
Ảnh 4 : Ông Wegener (hiện nay) đang thẩm định lại cảnh quay tấn công "Lanshut". Phía sau ông là các diễn viên đóng nhân viên GSG-9 trong phim "Mogadischu"
Ảnh 5: GSG-9 Tấn công "Landshut" từ phía sau.(Ảnh trong phim "Mogadischu")
Ảnh 6: Là cơ trưởng, ông Schuman thường xuyên bị Mamud khống chế đe dọa.(Ảnh trong phim " Mogadischu")













(Ảnh nguồn báo Bild)







PHẦN 4 : CHUYỆN HÔM NAY

Thứ Bảy, 6 tháng 12, 2008

Thảm kịch ở Aden và câu chuyện Mogadischu

(Tiếp theo)


Phần 2 : CHIẾN DỊCH 7 PHÚT


Sau sự kiện các vận động viên Do Thái bị bắt cóc và giết chết ở làng Olympich München năm 1972, thượng úy Ulrich Wegener được giao nhiệm vụ thành lập một đội đặc nhiệm để giải quyết và đối phó với các cuộc khủng hoảng tương tự. Nó có tên gọi là GSG-9 và còn tồn tại đến ngày nay.
Trong 5 năm từ 1972- 1977- ông Wegener , năm nay đã 79 tuổi, nhớ lại - chúng tôi đã đi dọc ngang đất nước, luyện tập rất nhiều trên tất cả các phương tiện , kể cả máy bay nữa. Tuy nhiên nhiệm vụ thì không có gì đặc biệt. Chỉ là truy đuổi bọn cướp xe chở tiền , phá khóa đột nhập vào hang ổ bọn tội phạm, bảo vệ , canh gác.. . Ông cười và nói thêm : Chúng tôi trở thành những người mở khóa nhanh nhất Cộng hòa. Tuy nhiên nếu chỉ có vậy thì sẽ chẳng có ai biết đến GSG-9 nếu như không có vụ cướp máy bay vào ngày 13-10-1977 hay chính xác hơn là đến khi đích thân thủ tứơngs Helmut Schmidt gặp ông Wegener và nói : Wegener, chúng tôi cần ông.
Trước khi vụ bắt cóc "Landshut" xảy ra, ông Schmidt đã phải chịu áp lực rất lớn. Vụ bắt cóc ông Schleyer đã được 6 tuần. Ông lại kiên quyết không đàm phán với RAF. Việc điều tra dậm chân tại chỗ. Tiếp đến là vụ bắt cóc máy bay này. Điều kiện của RAF và nhóm bắt cóc máy bay hoàn toàn giống nhau : Phải thả ngay các tù nhân RAF! Nếu không thì ông Schleyer và toàn bộ hành khách trên "Landshut " sẽ chết !. RAF và những kẻ cướp máy bay đã dồn ông Schmidt đến chân tường và dẫn ông đến quyết định phải hạ lệnh giải cứu con tin trên "Landshut".
Quyết định là quyết định thế , nhưng thực hiện được thật không đơn giản chút nào. Thứ nhất ,không biết rồi " Landshut "sẽ đỗ ở đâu ? hơn nữa ở khu vực này nhiều quốc gia tỏ ra không muốn hợp tác với CHLB Đức trong cuộc khủng hoảng này. Thứ nữa nếu có hợp tác thì việc thuyết phục nước chủ nhà để đưa được đội đặc nhiệm vào hoàn toàn không là điều đơn giản . v v và v v...Rõ ràng là vụ việc đầu tiên phải giải quyết là ngoại giao. Ông Schmidt đã giao cho ông Hans-Jurgen Wischnewski chỉ huy chiến dịch này.
Ông Wischnewski không những là một chuyên gia rất am tường về Trung đông mà ở khu vực này và châu Phi ông còn có những mối quan hệ rất thân tình và đặc biệt với những nhân vật quan trọng. Hồi ấy ông là bí thư nhà nước phụ trách cơ quan giải quyết các khủng hoảng.
Nếu như nhìn vào bản đồ bay của "Landshut" (ở phần 1) tại Dubai ta sẽ đọc thấy giòng chữ :14-10 : 3h45´ sân bay Dubai không cho hạ cánh. 5h 51´ hạ cánh bắt buộc. Lưu lại 54 tiếng. 16-10: 12 h 19´ cất cánh không rõ đi đâu.
Chính tại đây ông Wischnewski và ông Wegener đã định ra tay. Tuy vậy nhà cầm quyền Dubai nhất quyết không đồng ý. Họ lấy lý do rằng mang vũ khí từ nước ngoài vào nước họ là trái với truyền thống và động chạm đến lòng tự hào dân tộc của họ . Sau nhiều thời gian thuyết phục không thành , hai ông đành ngậm ngùi nhìn phía Dubai nạp nhiên liệu và đuổi "Landshut" . Và không ai biết nó sẽ đi đâu?
Lại nói chuyện trên máy bay, sau khi đã bắn chết cơ trưởng Schuman , Mahmud bắt ông Vietor phải ngồi vào ghế lái chính. Lúc đó do hạ cánh khẩn cấp xuống đường băng phụ ở Aden , chiếc máy bay đã bị hỏng hệ thống tự động chữa cháy động cơ, thời tiết lại rất xấu. Cô Gabi nhớ lại : Thực sự Vietor đã cứu chúng tôi. Việc cùng với Schuman hạ cánh xuống đường băng phụ ở Aden và bay "mù" trong điều kiện thời tiết rất khủng khiếp đến Mogadischu đối với ngành hàng không hiện nay vẫn là 1 kỳ tích!.
Đúng vậy nơi dừng chân cuối cùng của "Landshut" là Mogadischu. Hồi ấy phương tiện truyền thông không như bây giờ. Tất cả mọi người trên "Landshut" đều không một ai biết rằng cách đó đúng 1 tuần Somalia đã chính thức yêu cầu tất cả các cố vấn và chuyên gia Liên Xô về nước và coi như đã cắt đứt quan hệ với Liên Xô.
Và chính lần này ông Wischnewski và ông Wegener đã gặp may. Người phiên dịch của ông Wischnewski nhớ lại : Khi đến Somalia ông ấy không muốn mất một chút thời gian nào nữa. Vừa xuống máy bay là ông ta đã tìm cách gặp tổng thống ngay. Tôi hỏi : Ông có muốn ăn 1 chút gì không? Ông ấy trả lời : Anh nghĩ rằng tôi còn có thể ăn được hay sao?
Cuối cùng thì tổng thống cũng đồng ý cho phép giải cứu tại Mogadischu . Nhưng phía Somalia nhất quyết đòi được tự mình làm.
Ông Wegener kể : Tôi cứ gặng hỏi : Các ông làm thế nào ? Một viên tướng đã chỉ huy quân lính diễn tập , họ mang cả dàn giáo và thang để trèo lên máy bay . Nhưng ngay cả khi người lính đã đứng vững trên giàn giáo vẫn không thể nào mở nổi cánh cửa. Tôi đã gọi người giỏi nhất của chúng tôi ra biểu diễn. Anh này trèo lên máy bay không cần thang và dùng tay trái để mở cửa. Tất cả bọn họ cứ thế há hết cả mồm. Tôi lại hứa với viên tướng rằng hai bên sẽ cùng phối hợp.
Nhưng phía Somalia không hề biết rằng ngay từ khi nhận nhiệm vụ, khi đọc hồ sơ của chiếc máy bay bị bắt cóc , bắt đầu đến khi đọc số máy thì ông Wegener đã rất sửng sốt nhận ra chính trên chiếc máy bay này đội đặc nhiệm đã được luyện tập.
Và cuối cùng ông Wegener đã được toại nguyện . Vấn đề bây giờ chỉ còn là phải câu giờ để đợi đội đặc nhiệm đến nơi và đợi trời tối.
Tại Mogadischu thông điệp của bọn cướp máy bay đã tỏ ra rất quyết liệt : phải mang các tù nhân RAF đến Mogadischu để trao trả và không được lần lữa nữa ! Đây là lần cuối cùng!.
Khi gần đến giờ hẹn, lúc đầu thì lấy lý do là để dọn dẹp xung quanh , tránh cháy nổ ra các vùng lân cận, và đến sát giờ hẹn thì phía mặt đất thông báo lên máy bay : CHLB Đức đã chấp nhận tất cả các yêu sách , các tù nhân R A F sẽ được mang đến Mogadischu , tuy nhiên phải có thời gian, vì thời gian bay ít nhất phải mất 8 tiếng.
Lúc nhận được tin này cả hành khách lẫn không tặc đều mừng rỡ . Mahmud cho gỡ tất cả thuốc nổ gắn trên máy bay.
Khoảng 12 h đêm, đột nhiên phía Somalia cho nổi một đống lửa rất to ở phía đầu máy bay để đánh lạc hướng . Đội đặc nhiệm tiến lại từ phía đuôi máy bay, và khi mở được cửa , đúng lúc bọn cướp máy bay chưa kịp định thần thì GSG-9 đã nổ súng . Mahmud bị hai phát đạn 9mm chết ở trong buồng lái , một nam và một nữ còn lại thì bị hàng băng đạn vào người cũng chết ngay. Duy chỉ còn một nữ không tặc có biệt danh là "con béo" mặc dù cũng dính rất nhiều đạn nhưng không chết. ( Ông Wegener baỏ : nếu như bằng đầu đạn bây giờ thì cô ta cũng không thể nào sống được).
Cuộc giải cứu kết thúc thắng lợi vào 0h05` ngày 18-10-1977. Toàn bộ chiến dịch diễn ra trong đúng 7 phút.
Ngay sau khi kết thúc chiến dịch, ông Wischnewski baó cáo với ông Helmut Schmidt :
- Nhiệm vụ đã hoàn tất , tất cả các con tin đều nguyên vẹn.
- Tôi muốn nói chuyện với ông Wegener.
Khi Wagener cầm ống nghe thì ông Schmidt đã dàn dụa nước mắt :
- Đại úy Wegener, tôi xin cảm ơn ông .
- Thưa thủ tướng , tôi cũng xin cảm ơn ngài , nhưng tôi là thượng úy chứ không phải đại úy !
- Wegener, đại úy là hoàn toàn chính xác . Tôi đã đề nghị rồi.
Đây đúng là cách đối thoại của những người đàn ông rất kiệm lời.
Vào tối ngày 18 rạng ngày 19-10 những kẻ bắt cóc ở Đức đã giết chết ông Schleyer, ngày 19-10 người ta đã tìm thấy xác của ông trong một cốp xe hơi ở Mulhouse .
Rạng ngày 19-10 ba tù nhân RAF : Andread Baader, Gudrun Ensslin, Jan-Carl Raspe đã tự sát trong nhà tù Stuttgart-Stammheim . Đây là những cái tên được nhóm bắt cóc "Landshut" nêu đích danh đòi trao trả.
Những sự việc này đã làm cho CHLB Đức chìm vào một cuộc khủng hoảng . Có nhiều vấn đề cho đến bây giờ người ta vẫn còn day dứt và tranh luận.


Ảnh 1 : Không tặc "con béo" duy nhất sống sót. Bức ảnh chụp khi cáng vừa từ trong máy bay ra . Cô ta giơ cao bàn tay có các ngón tay làm chữ V và miệng hô to : Kill me !
Ảnh 2: Ông Wegener (ngoài cùng trái) và GSG-9. Ảnh chụp 1979. Lúc này GSG-9 đã nổi tiếng.
(Ảnh nguồn báo Bild)


PHẦN 3 :HÀNH TRÌNH CỦA NGƯỜI VỢ GÓA VÀ BỘ PHIM TRI ÂN

Thứ Sáu, 5 tháng 12, 2008

Thảm kịch ở Aden và câu chuyện Mogadischu

KỲ 1: CẢ NƯỚC KINH HOÀNG

Ngày 13/10/1977 là một ngày thu mây mù. Lẽ ra cơ trưởng Schuman và lái phụ Vietor đã không phải bay. Nhưng ngày này rất nhiều phi công bỏ bay, nên vào phút cuối hai ông nhận được quyết định phải bay thế. Thực ra thì chỉ bay đến Mallorca (Tây Ban Nha) rồi quay về . „Đến tối anh sẽ về“, Schuman nói với vợ sau khi ăn sáng xong . Cậu con trai lớn như thường lệ, đội mũ lưỡi trai của bố chạy trước ra xe ôtô . Schuman lấy mũ ra khỏi đầu cậu con trai , cúi xuống hôn con , rồi vội phóng xe đến sân bay. Ông không thể ngờ rằng đấy là cái hôn cuối cùng của đời ông.
Cũng vào sáng hôm ấy Rüdeger chở cô chiêu đãi viên Gabi Dillman đến sân bay. Anh đã mấy lần ngỏ ý cầu hôn, nhưng Gabi còn „cành cao“ chưa nhận lời . Gabi mới 23 tuổi . Cô là người trẻ nhất trong đội bay trên chiếc " Landshut " (số LH -181) của Lufthansa gồm 5 người do cơ trưởng Schuman chỉ huy. Nhưng cả Rüdeger lẫn Gabi đều không thể biết rằng chỉ 5 ngày sau cô sẽ thành một người khác hẳn . Và ngay sau giây phút đầu tiên gặp lại, Gabi sẽ nhận lời cầu hôn .
Cách đấy vào khoảng 6 tuần, tổ chức „ Lữ đoàn đỏ“ (RAF) đã bắt cóc ông chủ tịch hiệp hội các doanh nghiệp Schleyer ở Karlsruher để làm con tin . Điều kiện của RAF : thả ngay tất cả các tù nhân RAF đang bị giam giữ ! Thủ tướng CHLB Đức lúc đó là ông Helmut Schmidt tỏ thái độ rất cứng rắn. Theo ông , nếu đàm phán với RAF là „đập tan nền dân chủ“. Cảnh sát đã mở nhiều cuộc truy lùng , nhưng vô vọng.
Trên đường quay trở về từ Mallorca vào lúc 13h50 chiếc "Landshut" đã bị 4 người Palestin gồm 2 nam , 2 nữ mà cầm đầu là một người tự xưng là“ chỉ huy Mahmud „ khống chế và buộc ông Schuman phải bay đến Rom . Và đến lúc đó thì cả nước Đức bàng hoàng khi biết chiếc "Landshut" gồm 86 hành khách và tổ lái 5 người đã bị bắt cóc . Tiếp theo hơn 4 ngày sau đó (chính xác là 105 tiếng đồng hồ ) cả Tây Đức thực sự sống trong cơn sốt . Hành trình khủng khiếp này có thể xem trên bản đồ ở bên, trong đó những chỗ đánh dấu (X) là những sân bay không cho phép chiếc "Landshut" hạ cánh và ở từng địa điểm được phép đáp xuống đều có ghi rõ giờ hạ, cất cánh (theo giờ trung Âu).
Việc đầu tiên mà nhóm khủng bố này làm là tịch thu tất cả hộ chiếu của hành khách. Mahmud tuyên bố sẽ giết tất cả những người Do Thái có trên máy bay . Không khí lúc này cực kỳ hoảng loạn . Thực ra trong đám hành khách hôm đó chỉ có duy nhất 1 người Do Thái . Đó là một người đàn bà 60 tuổi . Trước đây trong chiến tranh thế giới thứ 2 bà đã thoát chết trong trại tập trung . Khi Mahmud phát hiện ra hộ chiếu Israel của bà thì cô Gabi đã lên tiếng giải thích với Mahmud rằng bà là một tín đồ thường xuyên hành hương và vì thế có hộ chiếu Israel. Người đàn bà này vô cùng hoảng sợ , cô Gabi đã ngồi bên cạnh bà , thì thầm an ủi và nhắc nhở bà các động tác để đừng lộ mình là người Do Thái.
Nữ hành khách người Đức Birgitt Röhll ngồi ở hàng ghế thứ 11 cùng với cậu con trai 10 tuổi. Bà đến Mallorca thăm bạn . Trong hộ chiếu ghi tên bà thời con gái là Grünnewal . Chẳng hiểu tại sao Mahmud lại cho rằng đấy là 1 cái tên Do Thái . Hắn giật chiếc bút máy hiệu „Montblanc“ trên người bà , chỉ về phía đầu nắp bút có hình ngôi sao nhiều cánh và gào lên: Đây là cái gì ? (bằng tiếng Anh). Bigritt sợ líu lưỡi chỉ lắp bắp : Đây là logo của hãng. Mahmud tức giận nhổ vào mặt bà. Hắn lại gào lên với cậu con trai: Chúng mày có phải là người Do Thái không ? Nhưng thật khốn khổ vì cậu bé này không biết tiếng Anh. Hắn nhổ tiếp nước bọt vào mặt cậu bé . Và quay sang Bigritt : Sáng mai đúng 8 giờ tao sẽ bắn chết mày ! Bà Bigritt lúc đó chỉ còn một mong muốn duy nhất là ngày mai hắn không bắn chết mình trước mặt con trai. Nhưng sau đó ông Schuman đã thuyết phục Mahmud rất lâu , „khuyên „ hắn không nên làm cho tinh thần của hành khách hoảng loạn thêm nữa. „Please, don`t shoot her „ . Cuối cùng thì hắn cũng nghe ra và tuyên bố bà Birgitt được sống. Bà đã thoát chết trong gang tấc.
Trên chiếc đồng hồ Junghans của ông Vietor cũng có hình ngôi sao tương tự . Mahmud bắt ông phải đập nát trước mắt hắn. Nhưng Vietor dẫm đạp thế nào cũng không hỏng . Chỉ đến khi Mahmud lấy chiếc búa ở buồng lái thì hắn mới đập nát được chiếc đồng hồ . Cái đống sắt vụn đó hắn vứt trả lại cho ông. Vietor giữ cái đồng hò đó cho đến bây giờ. Và ông luôn mang theo nó mỗi khi bay coi như bùa hộ mệnh. Một vấn đề cho Mahmud là trong hộ chiếu Đức không ghi tôn giáo. Hắn hất hàm hỏi ông Vietor : Theo đạo gì? . Ông Vierto nhớ lại : Lúc đó tôi trả lời :Evangelich (tin lành ) nhưng có lẽ do quá hoảng sợ nên ông không thể phát âm đúng từ này. May thay lúc đó Schuman đã trả lời ngay : Ông ta là Protestant ! (tân giáo). Nhưng đây mới chỉ là lần thoát chết thứ nhất của Vietor.
Nhìn vào bản đồ bên ta sẽ thấy vào lúc 1h52 ´ ngày hôm sau chiếc" Landshut "hạ cánh xuống Bahren (một quốc gia vùng Vịnh) . Nên nhớ rằng lúc đó hầu hết trên thế giới đều đã biết sự kiện này và biết rõ yêu cầu của nhóm không tặc, vì thế mới có chuyện nhiều sân bay không cho phép "Landshut" hạ cánh. Tất nhiên nhóm không tặc đã yêu cầu không một ai được đến gần máy bay . Tuy nhiên tại Bahren , nhóm bắt cóc máy bay đã phát hiện ra quân lính lố nhố bao quanh sân bay . Mahmud gầm lên và chĩa súng vào đầu Vietor : nếu 4 phút nữa quân lính không rút thì tao sẽ bắn chết mày ! Một phút , hai ,ba rồi bước sang phút thứ tư . Viertor hồi hộp chờ phát đạn , nhưng may sao còn đúng 30 giây nữa thì đột nhiên có một chiếc ôtô chạy đến gom hết tất cả số lính mang đi.
Vào thời kỳ đó nhiều quốc gia ở khu vực này lo ngại dây dưa vào các vụ xung đột, cho nên hầu hết đi đến đâu chiếc "Lahndshut" cũng bị xua đuổi.
Từ Bahren chiếc máy bay lại bị đuổi đi và ngay cả khi cất cánh thì phi hành đoàn cũng chưa biết bay đi đâu. Cả đất nước nín thở theo dõi.
Khi "Landshut" bay đến Aden (Yemen) thì nhà cầm quyền nước này đã cho xe bọc thép và rất nhiều ôtô đỗ trên đường băng để ngăn cản không cho nó xuống. Mặc dù ông Schuman đã hết sức năn nỉ, nhưng sân bay dứt khoát không thay đổi ý kiến. Đến khi chỉ còn 15 phút nhiên liệu, ông Schuman đành liều mạng đáp xuống đường băng phụ dành cho việc đỗ khẩn cấp. Đường băng này vừa ngắn lại hết sức tồi. Có lẽ chiếc máy bay dừng lại được an toàn là một điều kỳ lạ . Bởi vì lúc ấy cát bụi mù mịt , rất nhiều cát lọt vào phía động cơ.
Tuy nhiên phía Yemen vẫn giữ nguyên quan điểm của mình, kiên quyết yêu cầu "Landshut" phải rời khỏi đất nước họ. Phía Yêmen cho người ra kiểm tra tình trạng kỹ thuật bên ngoài của máy bay và tuyên bố tình trạng máy bay vẫn đảm bảo và buộc phải cất cánh sau khi nhận được nhiên liệu. Ông Schuman lấy cớ với cương vị là cơ trưởng ông phải trực tiếp ra ngoài để kiểm tra lại một lần nữa . Trong thời gian này Mahmud phát hiện ông đã rời khỏi máy bay khoảng 20 phút. Tức giận hắn gọi loa yêu cầu phía Yemen phải trả lại Shuman nếu không hắn sẽ cho nổ tung máy bay và giết hết tất cả hành khách. Ông schuman quay lại , Mahmut dùng súng đánh vào mặt ông. Sau những tiếng quát tháo là một tiếng súng nổ, xác ông Schuman đổ vật trên lối đi ngay phía trước đường vào toalet . Sau khi giết Schuman xong, Mahmud nói với các hành khách: Hắn đã muốn bỏ quý vị, tôi đã giết hắn. Đồ đào tẩu!.
Cho đến bây giờ, chính xác là cho đến trước 20h15´ ngày 30-11-2008 nhiều người, kể cả các hành khách trên chiếc "Landshut" hôm đó đều nghĩ rằng Schuman đã định bỏ họ . Nhưng không ai có thể biết trong 20 phút ấy ông Schuman đã làm gì?
Chẳng lẽ CHLB Đức cũng như ông Schuman đã bỏ rơi 86 hành khách?

Ảnh 1 : Bản đồ bay của "Landshut" khi bị bắt cóc.
Ảnh 2: Ông Schuman.
Ảnh 3 :Bức ảnh cuối cùng của ông Schuman chụp ở Dubai, nhìn kỹ sẽ thấy có một khẩu súng đang chĩa vào đầu ông.
Ảnh 4 : Ông Vietor 1977.

(Ảnh nguồn báo Bild)

KỲ 2 : CHIẾN DỊCH 7 PHÚT