Thứ Năm, 30 tháng 4, 2009

Ma lực

Anh Ái là bộ đội miền Nam tập kết cùng với anh rể tôi. Có một thời gian chẳng hiểu thế nào mà thành ra không nhà không cửa, anh chị tôi cưu mang trong nhà. Buổi tối buồn anh Ái hay lang thang ra ga Hàng Cỏ . Ai cũng biết rồi , Ga Hàng Cỏ là nơi phức tạp, nhất lại là buổi tối . Có một lần anh "bắt" được một con "bò lạc" ở Nam Hà dạt lên . Sau này thành vợ anh. Nhưng đấy là câu chuyện từ rất lâu rồi, từ khi tôi còn ở trường Trỗi . Đến khi tôi thành sỹ quan thì con "bò lạc " khi xưa đã trở thành "bò mộng" và dân giang hồ đã gọi anh là Ái miền.

Chỗ đường Tuệ Tĩnh cắt Nguyễn Bỉnh Khiêm có một hàng nước chè của bố thằng Tài cùng đơn vị với tôi hồi ở Đà Nẵng . Khi công tác ở cục KTPK tôi hay ghé qua đây uống nước chè , hút thuốc lào . Vì thế mới phát hiện ra ở bên kia đường là quán rượu của Ái miền. Gặp lại tôi Ái miền mừng lắm, bảo tao đ. sợ ai chỉ sợ Bác, bây giờ Bác mất rồi nên nhảy dù vào đây lợp lên cái nhà tạm , bán rượu nuôi vợ nuôi con. Ngồi nói chuyện với nhau, ban ngày ở trong nhà, chỉ có một cửa ra vào nhưng thỉnh thoảng anh em không nhìn thấy mặt nhau. Ấy là những lúc vợ Ái miền đi ra vào chắn hết cả ánh sáng vào nhà. Tôi gọi "bò mộng " là vì thế.

Quán rượu của Ái miền chỉ có khách quen chứ ít khách vãng lai. Trong đám khách này có cả Thanh rắn . Rượu thì cũng giống như ở các nơi khác nhưng đồ nhậu thì hơi đặc biệt vì thường là khách mang đến, rồi cùng với chủ xì xụp chế biến ở vỉa hè. Hồi đấy thì còn cái gì nữa: chủ yếu là đậu phụ , mắm tôm, lạc rang... Khi sang thì có con vịt cỏ khoảng tám lạng. Trong đám khách quen có Sính dớt lái xe cho Xuân Diệu. Khi mới nghe cái tên này tôi cứ tưởng có liên quan gì đến thần thoại Hy lạp. Nhưng sau nhìn vào mồm Sính dớt khi nói thì chợt hiểu chẳng có Hy với Lạp mẹ gì cả mà chỉ đơn thuần là liên quan đến nước bọt. Sính dớt năm ấy cũng vào khoảng 40 rồi mà chưa có vợ , vẫn ở với ông bố 70 tuổi. Mỗi tối say xỉn về nhà "cho ra" toàn ông bố phải dọn. Mỗi lần thế cụ lại rên Sính ơi mày còn ác hơn thằng Polpot! Có một lần chở Xuân Diệu đi nói chuyện thơ ở Quảng Ninh, đến bữa ăn chủ nhà dọn cơm ra cho hai thầy trò có món chủ lực gồm 5 miếng phá xí (cà chua nhồi thịt), hồi ấy là sang lắm. Khi XD gắp đến miếng thứ tư thì Sính dớt không chịu nổi và gằn giọng anh XD ơi hôm nay anh lãng mạn quá ! XD không hiểu còn hỏi lại thiệt à , thiệt à ? Nghe Sính dớt kể thế anh em ngồi xung quanh toàn cho rượu ra đường mũi.

Sính dớt biết nhiều chuyện về văn nghệ sỹ, giọng lại khao khao , phát âm chuẩn theo kiểu người miền Trung ra sống ở HN lâu . Có một lần thấy tôi mải ngắm một người đàn bà đẹp vô cùng đi chiếc Diamant màu xanh ngọc lướt qua quán rượu. Sính dớt cười khẩy, cô này Thu Bồn còn mê mẩn nữa là mày (sau này thì tôi biết đấy chính là vợ đầu của anh Dương Quốc Tuân). Nhắc đến Thu Bồn thì Sính dớt lại cất giọng đọc thơ:

Thơ Nguyễn Bắc

… Thu Bồn

…Ngoc Tú

…Xuân Quỳnh

Hồi ấy ông Nguyễn Bắc là giám đốc sở VH HN, theo Sính dớt thì thơ của ông này dở đến nghẹt thở. Ừ, suốt ngày rong ruổi với“ ông hoàng thi ca“ như Sính dớt thì chẳng phải mình ông NB đâu mà còn cả tỷ người trên trái đất này làm thơ dở ! Lúc ấy khi Sính dớt đọc đến những chữ trong chỗ ba chấm thì tôi đã cho không những là rượu mà cả mắm tôm và đậu phụ cùng rau kinh giới đi ra theo đường mũi.

Suy cho cùng thì vợ chồng Ái miền chẳng có gì là hợp pháp cả. Nhà thì tự dựng, nhảy dù, lấn chiếm . Buôn bán thì đầu vào tù mù, đầu ra mờ ám. Khách hàng thì rõ ràng là người mực thước chẳng ai đến đấy làm gì. Sống với nhau có con cái đấy nhưng chắc cũng chẳng có giấy tờ . Lại cộng với lối sống ngang tàng „tao đ. sợ ai chỉ sợ Bác“. Nên cũng không nên oán trách chính quyền các cấp khi họ cho quán rượu kiêm nhà ở của Ái miền là ung nhọt ! Nghĩa là trừ khi mù thì thôi chứ còn thì nhìn đâu cũng thấy vi phạm. Ái miền bị hết Phường lại đến Quận gọi lên suốt. Phường gọi thì còn tính buổi chứ Quận đã gọi là phải tính tuần , tính tháng . Trong những lần Ái miền vắng nhà như thế tôi hay thấy Cường họa sỹ ngồi lâu hơn bình thường. Cường họa sỹ có bên ngoài giống Van Gốc. Còn tài năng có giống không thì tôi không biết. Vì Cường họa sỹ chuyên vẽ sơn mài còn Van Gốc thì lại thuốc nước. Có một lần thằng Tài đặt Cường họa sỹ làm một bức chân dung tặng bố nhân dịp cụ 75 tuổi . Bố thằng Tài rất phúc hậu hiền lành , quê gốc Nam định thế mà khi bức tranh làm xong từ đầu phố đến cuối phố ai cũng bảo đấy là nguyên soái Giu cốp.

Lần ấy Ái miền bị Quận gọi, vắng nhà cũng đã lâu lâu. Đi làm về tôi đang ngồi uống nước chè ,hút thuốc lào bên nhà bố thằng Tài thì Thanh rắn gọi sang uống rượu. Hôm ấy hắn kiếm được con vịt cỏ.Bữa ấy cũng buồn vì vắng Ái miền . Nhưng như thường lệ , vắng Ái miền thì lại có Cường họa sỹ. Đến giữa buổi tôi thấy Thanh rắn mắt đỏ ngầu, dằn mạnh chén rượu xuống chiếu, nhìn thẳng vào mặt Cường họa sỹ, nói một câu chẳng ăn nhập vào đâu : đ.mẹ, loại phản bội anh em là đồ chó !. Tôi thấy Cường họa sỹ tái mặt , gượng gạo cười gắp thịt vịt cho anh em còn Sính dớt thì xoa xoa lưng Thanh rắn . Tôi tợp một ngụm rượu nhưng nó cứ mắc ở cổ chẳng chịu trôi.

Vài ngày sau Thanh rắn nói với tôi , lần này Ái miền phải đi lên Quận lâu nên Cường họa sỹ đã „giải quyết“ xong vợ Ái miền rồi ! Hồi đấy tôi yêu đương cũng hăng hái nhưng không cáo cụ như bây giờ. Nghe thấy Thanh rắn nói thế tôi rùng mình . Tội anh quá, Ái miền ơi!

Rất lâu về sau này , khi khi nào trong cửa hàng của tôi cũng có vài trăm chai rượu, tôi đã có dịp thử uống qua rất nhiều loại rượu . Nhưng rất thắc mắc vì không có loại rượu nào dễ làm cho tôi say-mà say đến mức choáng váng- như rượu của Ái miền . Lần lần thì tôi phán đoán ra , rượu của Ái miền rẻ thế, chắc là khi uống tôi đã bị ngộ độc trước khi say. Nhưng những chén rượu của Ái miền, hay những câu chuyện mà tôi hóng hớt được ở trong những quán giấy dầu rất là bệ rạc- mà thú thật là chưa có một giây phút nào trong đời mình tôi thoáng có ý nghĩ tìm hiểu xem nó đúng hay sai- lại là một trong những điều tôi hay nghĩ đến mỗi khi tự tìm cách lý giải cho mình : tại sao Hà Nội lại có ma lực hấp dẫn mình đến thế?

Thứ Ba, 14 tháng 4, 2009

Đi thăm Vũ

Ngày thứ năm ông Jesus ăn bữa cơm cuối cùng với các tông đồ. Ngày thứ sáu ông kiệt sức, tắt thở sau khi bị đóng đinh vào thánh giá . Ba ngày sau, vào ngày thứ hai ông ấy sống lại. Chuyện này thực hư thế nào phải hỏi HH mới biết được ! Duy chỉ có một điều chắc chắn rằng nghỉ lễ Phục sinh bao giờ cũng rơi vào ngày thứ sáu và ngày thứ hai liền sau đó. Trời xuân đẹp quá, lại được nghỉ dàì thế là Quý, Nga cùng Quang, Hương, Việt lên đường đi thăm Vũ, Minh , Trang.
Vũ, Minh, Trang vừa chuyển về Kirschheim (gọi đầy đủ là Kirschheim unter Teck) cách Stuttgart 30 km, cách Leipzig 550 km . Nhưng may có Vũ mách cách tránh các Autobahn 3 luồng , chỉ đi các autobahn 2 luồng nên không bị tắc đường ngày lễ. Cộng với việc Quang xèng sốt ruột muốn gặp con gặp cháu nên hắn phóng như điên. Thế là mặc dù ba giờ chiều thứ 7 mới xuất phát, lại nghỉ hai lần ăn uống hút tóe loe, mà tám rưỡi tối đã đến nơi.







Mọi người đến thẳng cửa hàng của Vũ, Minh trong một trung tâm thương mại . Và thấy ngạc nhiên vì măc dù Vũ tự thiết kế và thi công nhưng cửa hàng của Vũ, Minh rất đẹp. Đúng là sản phẩm của người có khiếu thẩm mỹ. Thế hệ thứ nhất đến đây với hai bàn tay trắng, trên răng dưới…Còn bây giờ thế hệ thứ hai đang vươn lên để tự khẳng định mình.
Sáng chủ nhật ăn sáng xong xuôi cả hội quyết định phượt. Ở trong trung tâm thành phố có nhiều hoa anh đào, chỉ có điều không thấy dưới gốc cây có tấm biển „Thương hoa- lịch sự -thanh lịch“. Khá khen cho thành phố này trong công tác bảo tồn. Có rất nhiều ngôi nhà được xây dựng từ các thế kỷ 14-17.










Tự nhiên Quý nhẽo thấy trĩu nặng hai vai. Quang xèng bảo phải là tầm cỡ đại gia mới có được hai chân dài hai bên như thế!











Ra đến sân vận động Vũ quyết định phóng máy bay lên trời, nhưng bác Quý do bệnh nghề nghiệp lại muốn bắn hạ.
Sau nhiều cuộc ăn nhậu liên miên ở nhà Vũ Minh, đến trưa thứ hai cả hội lại ra về theo cách Vũ hướng dẫn. Cũng chỉ mất có năm tiếng rưỡi. Trước đó có một nhạc-họa sỹ người Việt ở Stuttgart tặng Quý, Quang mỗi người một bức tranh. Bức tranh của Quang xèng vẽ một cô gái VN mặc áo dài đẹp mê ly. Khà khà , Quang xèng sướng thật. "Thích của nào trời trao của ấy".