Thứ Hai, 27 tháng 12, 2010

Suy nghĩ thật sự của người Đức về đồng Euro



(Dịch từ báo Bild ngày 27-12-2010)
Berlin-Người Đức không hiểu đồng Euro?
Chín năm sau khi được đưa vào lưu thông vẫn còn nhiều người Đức tranh cãi về đồng tiền chung ! Cuộc thăm dò ý kiến của viện nghiên cứu thị trường và thăm dò ý kiến uy tín YouGov theo yêu cầu của tờ Bild cho thấy 49 phần trăm người Đức muốn quay trở lại đồng D-Mark.
Cuộc thăm dò cũng chỉ ra rằng: thảm họa khủng hoảng đồng euro rõ ràng là đã xuất hiện tâm lý lo lắng và sợ hãi trong người dân . Và chính sách đã không thể làm cho các công dân của chúng ta hiểu được lợi ích của đồng Euro. 77 phần trăm người được hỏi cho rằng họ không cảm thấy là đồng euro có lợi.
Kết quả cuộc thăm dò:
Ngài có thấy thỏa mãn với đồng Euro không?
Có: 44, Không: 51, Không biết :5
Chính phủ CHLB Đức cho rằng đồng Euro trong thời toàn cầu hóa và khủng hoảng kinh tế tốt cho nước Đức hơn là đồng D-Mark. Ngài có đồng ý với ý kiến này không?
Có: 33, Không : 49, Không biết : 17
Các chuyên gia cho rằng đồng Euro đã trực tiếp mang lại lợi thế to lớn về kinh tế cho nước Đức. Điều đó đối với ngài thế nào ? Ngài có cảm thấy , từ khi đưa đồng euro vào lưu thông về phương diện cá nhân là có lợi ?
Có :17, Không:77, Không biết :7
Ngài có thấy lo lắng về sự ổn định của đồng Euro ?
Có:67, Không : 27, Không biết:6
Ngài có thấy sợ lạm phát do việc khủng hoảng đồng Euro ?
Có: 56, không : 36, Không biết: 8
Hiện nay đang có nhiều ý kiến cho rằng nên có sự phân chia ra các vùng cho đồng Euro. Một đồng Bắc euro và một đồng Nam Euro. Ngài có cho đấy là một ý tưởng tốt không?
Có:16, Không: 66 , Không biết : 18
Ngài có muốn quay trở lại đồng D-Mark không?
Có : 49 Không: 41, Không biết:9
Ngài hãy cho biết, nếu có một Đảng mà có mục tiêu cao nhất là quay trở lại đồng D-Mark. Ngài có bầu cho Đảng này không?
Có: 35, Không:48 , Không biết :16
Ngài cho biết, nếu có một một cuộc trưng cầu dân ý thì ngài bỏ phiếu cho có lưu thông hay không lưu thông đồng euro?
Có:30, Không: 60, Không biết: 10
Đồng Euro đã trải qua nhiều cuộc khủng hoảng nhưng mà lại được phục hồi. Ngài có tin rằng trong 20 năm nữa nó vẫn là đồng tiền của nước Đức?
Có: 55, Không :23, Không biết:22

Thứ Sáu, 24 tháng 12, 2010

Chào dũng sỹ!

Mấy năm trước đây ở bên này đọc báo thấy ở thành phố HCM có Hiệp sĩ bắt cướp. Tôi cảm phục quá. Tôi theo dõi tất cả các bài báo viết về đề tài này trong điều kiện có thể. Càng đọc càng thấy cảm phục . Duy chỉ có điều , không hiểu tại sao tôi lại thấy gọi là dũng sĩ hình như đúng hơn là hiệp sĩ ? Cũng nghĩ là nghĩ thế thôi chứ gọi là gì mà chẳng được?
Đọc xong các bài báo cứ nghĩ mãi , nghĩ mãi mà không hiểu tại sao người thanh niên này lại làm được những việc phi thường như thế? Thú thật tôi đi ra đường đã thấy ngại. Đường phố lúc nào cũng đông như nêm. Đi cẩn thận đã thấy sợ , nói gì đến việc lạng lách , truy đuổi bọn cướp ranh ma liều lĩnh bằng xe máy ở trên đường?
Tôi có thằng cháu gọi bằng cậu có đam mê oto , xe máy. Nó được gọi là „Bác sỹ auto „ trên trang ôto SG. . Các salon oto khi nhận ôtô mới về hay mời thằng này đi thử để khai thác tính năng. Bản thân nó lại có một cái gara ôtô. Vì thế từ Cường đôla đến anh Hai lúa, đi BMW từ miền Tây lên Sài Gòn để nhờ nó chữa xe, chỉ bằng số 2, nó đều quen biết cả.
Mùa đông năm ngoái hãng Mersedes có lớp tập huấn về độ âm thanh trong xe ôtô. Thằng cháu tôi sang dự. Xong việc tôi bố trí đưa nó xuống Dresden để xem một hội chợ chuyên trưng bày các xe độ. Nó chụp không biết là bao nhiêu ảnh. Suốt cả buổi chỉ nói đến ôtô. Đến nỗi tôi đã nghĩ rằng có lẽ cái nghề cao quý nhất trên đời này là làm một kỹ sư ôtô. Sực nghĩ các hiệp sỹ săn bắt cướp thể nào chẳng phải xoáy nòng , độ xe. Tôi bèn đem chuyện hiệp sỹ ra hỏi. Thằng cháu cười phá. Cha này nham nhở lắm cậu ơi. Cỡ tuổi cháu mà hôm rồi cháu vừa đi đám cưới con gái cha ấy xong. Giờ có cháu ngoại rồi. Công an không cho ở trong ngành. Đi nhà hàng mà thấy tiếp viên thì thể nào cũng… Nghe thấy vậy tôi cũng lả lướt ừ thì thấy gái đẹp không trêu cũng uổng! Tuy nhiên cha này có năng khiếu bắt cướp lạ lùng. Có một lần đang ngồi uống cà phê, thấy cha ngó lơ rồi nói nhỏ cho cháu đủ nghe: Thằng kia đang ngồi chờ bạn để đi ăn mồi. Theo ánh mắt của chả cháu thấy có một thanh niên dáng vẻ rất bình thường , mặc một cái áo polo sọc. Y rằng một lúc sau thấy một thằng bạn của nó đến. rồi cùng nhau bỏ đi. Cha này đứng dậy theo, nói nhỏ với cháu, mày trả tiền cho tao. Hôm sau đọc báo đã thấy tin Hiệp sỹ lại bắt được cướp. Nhìn ảnh thấy y chang thằng mặc áo polo sọc hôm qua.
Ừ thì đành rằng là có năng khiếu. Nhưng chỉ có năng khiếu thôi thì chưa đủ để bắt được cướp!
Hồi cuối tháng 8 vừa rồi tôi có về phép . Phải nói thật những ngày phép ở thành phố HCM là những cuộc nhậu vô tận. Mệt quá nhưng mà vui. Tôi cùng thằng cháu cũng uống với hiệp sỹ vài lần. Cũng định đem thắc mắc của mình ra hỏi. Nhưng chẳng lúc nào thấy thích hợp. Thằng cháu tôi vào loại hoạt ngôn, vui tính. Chúng nó cứ nói hết chuyện này sang chuyện khác, còn tôi chỉ chủ yếu là nghe. Ví dụ , tao vừa hỏi thằng Cường đola sao mày hay thế, em nào tên Hà mày cũng yêu đươc sao không yêu nốt Hà bá đi… Rồi cả đám cười nghiêng ngả…Thành ra cũng không tiện cho mình nói chuyện nghiêm túc . Và trong không khí ấy thì cũng cứ mơ mơ màng màng.
Nhưng có một đêm đi nhậu với Hiệp sỹ xong về đến nhà thì trời nóng quá, không thể nào ngủ được. Nhà thì rộng rãi nhưng không có điều hòa. Quạt chẳng qua chỉ thổi hơi nóng vào mình thôi. Tôi châm điếu thuốc và uống cốc nước lạnh. Người dần tỉnh lại. Tôi chắp lại cái câu chuyện mà mình nghe được lúc nãy. Giọng của hiệp sỹ đều đều:
- Bọn cướp chỉ là con chuột, mình là con người. Mình đánh nó mà nó quay lại cắn mình thì coi như mình xui. Mãi mãi chúng nó chỉ là con chuột.
Tôi như bừng tỉnh khi nhớ lại câu này của hiệp sỹ. Người thanh niên đáng tuổi cháu tôi đã chỉ ra cho tôi một cách khinh mà từ đó con người ta có dũng cảm.
Tôi vội cầm ngay điện thoại gọi cho hiệp sỹ. Mai đi uống cà phê đi? Tao có chuyện muốn nói. Không được đâu cậu ơi (bọn ban thằng cháu tôi toàn gọi tôi bằng cậu), ngày mai con có hẹn với mấy thằng em để đi tua rồi! Thôi uống cà phê sớm trước giờ hẹn đi! Tao có chuyện quan trọng muốn nói mà ! Thôi được , nhớ gọi con sớm nghe cậu.
Hôm sau tôi dậy từ sớm , đúng hẹn gọi cho hiệp sỹ. Và sốt ruột ngồi chờ. Khi nhác thấy bóng hiệp sỹ đang gửi xe. Tôi vội vàng chạy ra đứng nghiêm , hai tay thẳng với mép quần . Trong đầu còn thoáng nhớ ở thời tôi còn bộ đội, người ta không được chào khi không đội mũ. Tôi hô thật to, rất dõng dạc, làm cho bao người phải ngoái đầu nhìn lại :- Chào dũng sĩ!
Vào bàn hiệp sỹ nhìn tôi , hơi ngạc nhiên rồi sốt ruột hỏi:
- Cậu định nói gì?
Tôi cười khà khà và bảo :
- Cái mà tao nghĩ cả đêm hôm qua định nói thì chẳng phải là tao đã hô to lên cho tất cả thiên hạ nghe rồi hay sao?

Trái tim đặc biệt



Hồi còn trong bộ đội, tôi ở Phòng không còn anh hùng Phạm Tuân ở Không quân. Tất nhiên là anh ở đầu hàng quân còn tôi ở cuối hàng quân. Người ở cuối ngưỡng mộ người ở đầu cũng là bình thường. Tuy nhiên vì đồ án tốt nghiệp của tôi có dính dáng đến B52 nên tôi lại càng ngưỡng mộ anh vì anh đã hạ được B52. Ngưỡng mộ vậy chứ người ở cuối làm gì có cơ hội để tiếp xúc với người ở đầu.
Theo như báo chí nói thì khi tuyển phi công anh Tuân bị loại vì tim có vấn đề. Anh chỉ được học thợ máy. Sau vì thiếu người đột xuất nên anh được đôn lên. Đến khi tuyển phi công vũ trụ thì anh lại xuýt bị loại vì bao nhiêu bác sỹ cao thủ đều kết luận tim anh có vấn đề. Đến khi hội đồng y khoa phải mời một viện sỹ viện hàn lâm đến hội chuẩn. Vị viện sỹ này kết luận, tim anh cực khỏe, chỉ là rất đặc biệt, ít gặp, nên dễ bị nhầm là có vấn đề. Vì thế anh đã trở thành phi công vũ trụ.
Hồi bộ đội tôi có người bạn tên Cường. Nói là bạn nhưng Cường nhiều tuổi hơi tôi. Cường từ Thái Lan vượt tuyến ra Bắc cùng với Nguyễn Hữu Lập. Chuyến đi hàng tháng trời, cũng ly kỳ, viết thành sách được. Cường bảo với tôi Cường nói tiếng Lào và tiếng Căm pu chia giỏi hơn tiếng Việt. Sau này ra quân , Cường có đi sang Lào công tác một thời gian dài . Vì thế gọi là Cường Lào. Cường Lào thuộc loại kỹ sư được động viên vào quân đội. Vì thế tuổi quân ít hơn tôi, nhưng trông già , hệt như ông WTO Trương Đình Tuyển. Trước khi vào bộ đội Cường Lào là kỹ sư của bưu điện Bờ Hồ. Tính rất lè phè. Mặc quân phục mà cứ đòi đi xichlo. Tôi kiên quyết ngăn không cho đi. Cường Lào giờ vẫn nhắc chuyện này, khen tôi thuộc điều lệnh. Cường Lào hiền nhưng cục. Gặp chuyện bất bình trong đơn vị thì hay nóng. Trước khi định đánh ai hay báo cho tôi. Tôi tính nhút nhát nên hay can. Vì chuyện này mà Cường Lào biết ơn tôi“ không thì bị tù đến giờ chưa được ra ông ạ“. Bây giờ thì tôi cũng hơi hối hận vì bọn được tôi cứu khỏi bị đánh cũng đều đáng bị ăn đòn cả. Cường Lào trông bề ngoài khô khan , khó gần nhưng lại tình cảm và là người trước sau như một.
Hôm rồi về phép, ngồi ăn sáng ở quán Vân Nam Lý Thường Kiệt tôi gọi điện cho Cường Lào . Biết tôi về, Cường Lào đến ngay. Ở quán , tính tôi hay bốc phét với bọn bạn em tôi nên lúc ấy mình đang là trung tâm. Cường Lào đến quán cùng anh Phạm Tuân. Thấy Phạm Tuân đến tất cả bọn bạn em tôi nhào ra bắt tay anh, và quên tôi luôn. Bọn này –tôi biết-là bọn không biết sợ ai. Chúng nó phải mến anh Tuân lắm lắm thì mới đón tiếp anh như thế.
Cường Lào nói với tôi rất tự nhiên, vừa mới mua nhà cạnh anh Tuân rồi. „Để đi lại cho tiện“ . Tôi ngạc nhiên và thoáng nghĩ chắc ông này lại có chuyên với vợ con ?. Thế nhà cũ ông bán rồi à. Không, bà ấy vẫn đang ở đấy. Không bán được vì tôi có 4000 lít rượu ngâm ở đấy. Bán nhà thì được nhưng ngại chuyển rượu quá!. Tôi thấy thắc mắc, hôm sau liền gọi điện cho vợ Cường Lào. Thì ra là chẳng có chuyện gì cả. „Anh ấy và bác Tuân ngày nào cũng phải gặp nhau , trên này xa quá. Thôi thì mua nhà dưới ấy cho tiện“. Cường Lào với anh Tuân bây giờ thì đúng là như hình với bóng. Anh Tuân đã về hưu thành ra suốt ngày hai ông này đàn đúm với nhau. Tôi rủ Cường Lào đi đâu thì hắn nghĩ một lúc rồi bảo không được . Cứ nghĩ là hắn bận , một lúc sau thấy hắn thủng thẳng vì ông Tuân bận mất rồi. Đại khái là thế. Hai người có hai xe. Nhưng lái xe thì là chung. Cường Lào lúc nào cũng ăn cơm bên nhà anh Tuân thành ra vợ Cường rất yên tâm.
Biết tôi thích ăn bún ốc nên một hôm Cường Lào cùng anh Tuân đưa tôi đi tìm bún ốc ăn cho bằng được. Ăn xong ra uống nước dừa, chụp một cái ảnh . Bây giờ ngồi ngắm lại cái ảnh này , tôi thấy rất mừng vì bạn tôi khi về già lại có một người bạn anh hùng, một người có trái tim đặc biệt.

Chủ Nhật, 19 tháng 12, 2010

Đi một ngày đàng học một sàng khôn

(Viết theo gợi ý của Trần Kiến Quốc)

Tôi đi sang Đức để làm một người lao động, theo diện hợp tác lao động giữa hai nhà nước. Sau khi nước Đức thống nhất thì tôi chuyển sang làm một người lao động tự do. Vì thế hàng ngày , trước đây khi mới sang , cũng như bây giờ ,sau 22 năm, tôi chủ yếu tiếp xúc với những người lao động , người dân bình thường .
Đất khách quê người, lại là nơi quá xa xôi với người thân, đất nước , ai cũng vậy, để tồn tại được thì phải học hỏi và lao động nhiều hơn một chút. Để đến trường lớp thì không có điều kiện. Thôi thì mình thấy người ta làm thế nào thì bắt chước, học theo những cái hay. Không làm theo những cái mà mình thấy chưa hay. Tuy nhiên có những cái lúc đầu mình thấy chưa hay nhưng sau này mình thấy hay thì lại làm theo. Có những cái thì là hành động cụ thể, có những cái là lối suy nghĩ, có những cái là tác phong. Có những cái thì mình thấy nó rất to tát, mình có học cũng chả để làm gì thì mình „bóp“ cho nhỏ lại „vừa“ với mình theo cách suy nghĩ đơn giản của một người lao động như tôi.
Mẩu bánh mỳ thừa
Tôi sang đến Đức vào mùa đông . Ngày nghỉ bên ngoài toàn tuyết trắng, đường lại trơn trượt , chẳng muốn đi đâu. Ngày chủ nhật nhìn ra cửa sổ không thấy một bóng người , chỉ thấy bà cụ già ở tòa nhà đối diện cầm túi rác đi rất chậm rãi ra khỏi nhà về phía thùng rác.Vứt rác xong bà lại chậm rãi quay về . Đường rất trơn nên mãi bà cụ mới đi đến trước cửa nhà. Khi thò tay vào túi áo khoác chắc là để lấy chìa khóa, thì như chợt nhớ ra điều gì, cụ đưa tay lên vỗ mạnh vào trán rồi quay trở lại. Tôi nghĩ chắc cụ lại quên, vất luôn cả chùm chìa khóa vào thùng rác rồi ? Thùng rác thì rất to và cao , loay hoay một lúc tôi mới thấy cụ lấy lai được cái túi rác nhỏ vừa vứt của mình. Mở túi rác, cụ lục lọi rồi lấy ra một mẩu bánh mỳ thừa nhỏ xíu. Cụ vứt túi rác trở lại, còn mẩu bánh mỳ thì cụ tiến thêm mấy bước đến thùng rác BIO (chuyên chỉ để vứt thức ăn thừa) để vứt vào. Té ra cụ chẳng quên chìa khóa mà chỉ là quên không vứt một mẩu bánh mỳ bé tý xíu vào đúng chỗ. Bây giờ những chuyện thế này đối với tôi đã trở thành bình thường. Nhưng cách đây 22 năm khi mới ở VN đặt chân đến đây chuyện ấy đã gây ấn tượng rất lớn cho tôi.
Năm 1997 nước Đức tham gia vào việc ký kết nghị định thư Kyoto và nghị định này có hiệu lực vào năm 2005. Đến năm 2008 họ đã tuyên bố hoàn thành các chỉ tiêu về giảm thiểu khí thải do nghị định này quy định phải hoàn thành vào năm 2012. Tôi không thể hiểu được cặn kẽ chính phủ đã có những chính sách khôn ngoan thế nào để làm được điều kỳ diệu đó . Nhưng không biết tôi có hồ đồ không khi nghĩ rằng họ sẽ không thể làm được điều kỳ diệu nếu vào cái ngày tôi vừa kể , cụ già kia không quay lại thùng rác tìm mẩu bánh mỳ?
Một người nhỏ nhoi như tôi làm sao hiểu được cặn kẽ nghị định thư Kyoto do LHQ chủ trì và có những 175 nước tham gia và làm sao biết được mình phải làm gì ? Nhưng cụ già kia đã dạy cho tôi cách „ bóp“ những chuyện to lớn để cho nó nhỏ lại chỉ bằng một mẩu bánh mỳ tý xíu.
Rác ai người ấy dọn
Có một lần tôi muốn khoan một cái lỗ trên tường để treo một bức tranh. Hồi ấy mới sang nên trong tay chả có dụng cụ gì. Tôi ngỏ ý với một đồng nghiệp người Đức. Anh vui vẻ nhận lời và mang ngay máy khoan đến phòng tôi. Khi lắp mũi khoan xong anh bảo tôi mang máy hút bụi đến, tháo đầu ra, chỉ còn mỗi cái vòi dài. Sau đó anh bảo tôi dí vòi vào sát lỗ khoan và khi anh mở máy khoan thì tôi cũng mở máy hút bụi. Khi anh khoan xong thì tôi cũng tắt máy. Nhà không vương một hạt bui. Tôi thấy thích thú vô cùng. Thế mà cứ nghĩ bụi sẽ tung mù.
Đây cũng chỉ là chuyện nhỏ thôi nhưng từ đấy nó lại làm tôi để ý đến một tác phong rất đáng quý của họ : Ai xả rác thì người ấy dọn và dọn ngay. Trong nhà máy, trên công trường , trong từng công việc hàng ngày của người dân thường nguyên tắc này bao giờ cũng được thể hiện rõ nét.
Bố mẹ vợ tôi sang thăm chúng tôi ba tháng. Đúng vào thời gian này thành phố cải tạo lại toàn bộ con đường trước cửa nhà tôi : thay đường tàu điện, thay ống nước, gas , làm lại vỉa hè. Từ cửa sổ nhà tôi hàng ngày ba tôi nhìn cảnh những người công nhân làm đường. Khối lựơng đất đá khủng khiếp đến thế nhưng các tốp thợ khi rút đi thay ca hoặc bàn giao cho tốp khác đã không để lại một viên sỏi nào vương vãi. Công trường lúc nào cũng sạch sẽ. Ba tôi ấn tượng cho đến bây giờ. Người đi trước luôn tạo điều kiện cho người đến sau.
Tác phong này không phải chỉ có ở những người lao động bình thường mà còn cả ở những nhà chính trị. Ở đây nếu ta quan niệm các skandal của các chính khách là rác thì ta thấy họ dọn rác cũng rất nhanh. Tuy nhiên cách dọn rác của họ hơi khác thường một chút : từ chức !
Ai gây ra hậu quả thì người đó phải giải quyết, không đùn đẩy.
Làm bạn
Có một lần tôi thử nghe một bài diễn văn của một vị lãnh đạo phát biểu trong ngày khai trường ở Hà Nội. Nghe xong tôi thấy hoang mang quá : có bao nhiêu điều khó hiểu trong bài phát biểu ấy. Chẳng lẽ các em học sinh lại hiểu được?
Ngày khai trường bên này , tôi mang con đến trường, trong lòng cảm thấy vô cùng lo lắng. Theo tục lệ mỗi một học sinh đều có một túi quà to mà ông bà cha mẹ, họ hàng , hàng xóm, chuẩn bị trước hàng tháng và diễn ra bí mật, không cho đứa trẻ biết. Tất nhiên chúng biết sau lễ khai giảng chúng sẽ được quà, nhưng túi quà to, nhỏ thế nào ,bên trong có những gì thì chúng hoàn toàn không biết và chỉ có háo hức đợi chờ ngày khai giảng. Cô giáo trông rất vui vẻ và hòa nhã đã đợi sẵn ở cổng trường. Cô bắt tay con gái tôi, rồi nói nhỏ vào tai hứơng dẫn tôi cách đi đến phòng „bí mật“ để lát nữa tôi sẽ trở ra xe của bạn tôi lấy túi quà cất vào phòng đó, đợi đến khi lễ kết thúc thì mới được trao cho con. Và cô cũng chào tạm biệt tôi luôn, cô không hề xuất hiện trở lại nữa.
Khai giảng ở đây không làm chung toàn trường mà làm theo từng lớp một. Ví dụ các em học sinh lớp 1A thì sẽ làm lễ khai giảng tại lớp 1A do các em sẽ là lớp 2A điều khiển. Vì thế các em học sinh mới cảm thấy hầu như không có gì cách biệt. Tôi thực sự kinh ngạc khi các em học sinh mới chỉ vừa mới học xong lớp 1 chưa một ngày học lớp 2 nhưng các em rất tự tin, nhanh nhẹn và hoạt bát. Chương trình kéo dài gần hai tiếng , không một phút dừng mà các em lúc nào cũng rộn ràng vui vẻ. Tôi nhìn sang các phụ huynh thì thấy nhiều người, nhất là các ông bà, ai cũng rơm rớm nước mắt. Con tôi mặt đỏ hồng , mắt bừng lên phấn khích, chơi tất cả các trò do các anh chị lớp hai hướng dẫn. Đến cuối chương trình là màn biểu diễn một bài hát mà các anh chị vừa hướng dẫn chớp nhoáng . Thế là một bài hát do cả chủ và khách được hát rất to để tiễn ông bà cha mẹ ra về.
Những năm đầu hình phạt mà cháu sợ nhất là dọa không cho đi học.
Một buổi lễ rất đơn giản về hình thức nhưng để lại cho tôi bao nhiêu xúc động. Cho đến nỗi nó buộc tôi phải suy nghĩ lại cách mình đối xử với con. Hình như trước đó mình chưa bao giờ thật sự tìm cách để hiểu con? Là một người cha nhưng tôi chưa bao giờ dùng khả năng của mình để kéo những mục đích lơ lửng ở trên trời đặt trước mặt con? Và tôi nghĩ , muốn làm được như thế mình phải là bạn của con.
Đến nay thì tôi hiểu , làm cha là một đặc ân mà ông Trời ban cho mình. Đặc ân này ông ấy ban ra và không thu lại.
Làm bạn với con cũng là một đặc ân. Nhưng đặc ân này ông ấy sẽ thu lại khi nào mình không chịu tìm cách để hiểu được con.
Thử bàn chuyện lớn
Bình sinh , như đã nói, tôi là một người lao động . Chưa khi nào tôi làm quan chức. Bây giờ lại bàn đến chuyện lớn thì chắc là buồn cười lắm đây!
Số là trước khi sang Đức tôi chỉ học tiếng Đức có đúng 19 ngày mà chủ yếu là do vợ dạy. Sang đây chỉ một thời gian thì vợ con tôi sang đoàn tụ. Thế là tự nhiên có cây Đa(vợ tôi), và cây Đề( con tôi) về tiếng Đức ở trong nhà . Thành ra việc học tiếng của mình có phần sao nhãng vì việc gì về tiếng Đức cũng có vợ con lo cho rồi.
Vì tiếng của mình „ngắn“ nên khi nói tiếng Đức tôi hay nói theo kiểu tiếng Việt . Nghĩa là tiếng Việt thế nào thì mình cứ lắp y như thế khi nói tiếng Đức. Cho nên mới có chuyện một lần có một đồng nghiệp phấn khởi khoe với tôi là con anh ấy vừa mới tốt nghiệp trung học xong và điểm rất tốt. Tôi bèn hỏi, vậy thì sắp tới con anh sẽ học( đại học) ở đâu? Anh bạn lập tức nói tiếng không rất nhanh rồi lại chậm rãi nói : Con tôi sẽ nghiên cứu về Hóa tại trường Đại học tổng hợp Leipzig. Sau này tôi mới biết nếu chúng ta nói học phổ thông, học đại học thì người Đức nói học phổ thông và nghiên cứu (gì đấy) ở Đại học.
Khi con gái tôi nhận bằng Diplom , vợ chồng tôi sang thăm cháu và đó cũng là lần đầu tiên tôi được biết đến khuôn viên mênh mông của trường đại học tổng hợp . Cháu chỉ vào thư viện và nói đây là nhà thứ hai của con. Giọng và khuôn mặt cháu rất buồn như là sắp phải xa một ngôi nhà thực sự vậy. Cháu bảo cháu ở thư viện nhiều hơn ở nhà.
Hàng ngày hai cha con hay „nấu cháo” với nhau về đủ mọi chuyện ở trên đời, nên tôi hiểu quá trình đào tạo một sinh viên thực chất là một quá trình nghiên cứu có hướng dẫn và định hướng.
Vừa rồi biết ở ta có cuộc vận động bỏ chuyện đọc ghi ở bậc đại học. Thiết nghĩ đầu tiên ta nên thay đổi cách nói. Bỏ cách nói học đại học bằng một cách nói khác. Thay đổi cách nói sẽ thay đổi được cách nghĩ và từ đó thay đổi được cách làm.
Đoạn viết này chỉ là để cho vui thôi. Chứ một cuộc vận động lớn như thế mà lại dùng một biện pháp đơn giản như thế thì làm sao mà xin được tiền ngân sách đây?.
Các cụ nói „đi một ngày đàng học một sàng khôn“. Cái sàng của tôi chỉ có toàn những chuyện lặt vặt đại loại như thế. Tuy nhiên tôi cứ mạnh dạn viết ra đây. Tôi nghĩ : nếu tất cả chúng ta - những công dân bình thường- được phép „lục lọi“ các cái sàng của nhau thì, để tìm được một cái gì to tát vĩ đại là điều không dễ. Nhưng rất có thể sau khi „lục lọi“ xong, trong lòng mỗi chúng ta lại có thêm một niềm vui nho nhỏ.

Thứ Hai, 13 tháng 12, 2010

Đọc tin hay quên ngay tuổi già

Hôm nay (13-2-2010) trên tờ Morgenpost có đăng tin: một nhà sưu tập các tác phẩm nghệ thuật và đồ cổ ở Dresden 83 tuổi, làm đám cưới với một cô gái Philippin 26 tuổi. "Đám cưới rất là lãng mạn , cô dâu đẹp tuyệt vời",ông thị trưởng-một trong 50 khách mời -nói.
Mối tình bắt đầu cách đây 4 năm khi nhà sưu tầm lần đầu tiên đến Philippin. Theo lời ông thì cô gái này có bầu năm 19 tuổi. Ở một đất nước khắt khe như Philippin cô ấy rất khó lấy chồng. Tuy nhiên trong con mắt của ông thì cô là một "cô gái rụt rè e lệ, nhỏ bé nhưng rắn chắc và không béo". Ông vẫn hy vọng tràn trề là sẽ có con với người vợ trẻ của mình. Tuy nhiên ông cũng biết rằng "điều gì đến sẽ đến".
Khi đọc xong tin này , ban đầu tôi cũng có cảm giác ngồ ngộ. Nhưng nghĩ đi, nghĩ lại tôi lại thấy : thử hỏi khắp thế gian này liệu có ai trưng ra được lý do để không cho một ông già 83 tuổi được yêu?
Và ngay sau đó tôi muốn gào lên thật to để cảm ơn ông Trời. Ông đã cho tôi luôn hơn ông già kia những 25 năm để phiêu lưu , lặn ngụp trong yêu đương, tình ái.

Thứ Bảy, 11 tháng 12, 2010

Cốc vang nóng giữa trời đông


Dịp này ở đây khắp nơi mở chợ Noel ở ngoài trời . Trời tuyết lạnh, nhạc réo rắt vui tươi , không khí nhộn nhịp; đi chơi chợ ,uống một cốc vang hâm nóng, thấy thật là thích thú.

Ngày 7-12 -2010 là ngày PISA chính thức công bố kết quả nghiên cứu về giáo dục ở 34 nước và thành phố lớn. Theo đó Thượng Hải, Hàn Quốc, Phần Lan đứng đầu danh sách. Nước Đức có tiến bộ chút đỉnh so với 3 năm trước tuy nhiên nó không đủ khiến cho ai vui mừng được. Có một điều là cũng đúng trong ngày này đồng loạt các báo giấy và báo mạng đều đăng về hiện tượng Việt Nam( như là một điều để các nhà giáo dục Đức suy nghĩ?). Tôi chọn một bài báo mạng có ảnh rõ và đẹp để dịch ra đây.

Với tôi, khi đọc bài báo này, tôi có cảm tưởng như là được uống một cốc rượu vang hâm nóng giữa chợ Noel.

Các học sinh Việt Nam luôn đứng đầu trong các trường Gymnasium *
(Dịch từ LVZ online ngày 07-12-2010)

Dresden. Em học sinh nữ Kim Hoan Vu (Vũ Kim Hoàn ?) có rất ít thời gian. Em là học sinh xuất sắc nhất lớp, em chơi Klavier và là hướng dẫn viên du lịch trong bảo tàng tranh cổ bằng năm thứ tiếng : Đức, Anh, Pháp, Tây Ban Nha và Việt Nam.
Rất tự tin , em kể về các thành tích của mình trong các kỳ thi ngoại ngữ, lấy học bổng và trách nhiệm của em trong vai trò là người phát ngôn* * của lớp và của khối. Em luôn thấy mình có trách nhiệm khi nhận những việc này- nữ học sinh 16 tuổi nói. Em là một trong rất nhiều học sinh Việt Nam xuất sắc ở CHLB Đức, những học sinh đã vượt xa các bạn học người Đức của mình .
Kim Hoan đang học lớp 10 ở trường Romain-Rolland-Gymnasiums Dresden. Em đến Đức khi 3 tuổi. Bố mẹ em lúc nào cũng phải làm việc rất nhiều. Em bảo không muốn bố mẹ lại phải thêm lo lắng khi con lại còn mang điểm xấu về nhà.Lúc đầu em chịu rất nhiều áp lực."Nếu em có một điểm 2 toán thì đối với mẹ em đấy là một thảm họa, trong khi em cho rằng một điểm 2 là cũng tốt rồi". Để cho khỏi quên nguồn gốc , em nói chuyện với bố mẹ và thường xuyên nhất là với chị gái bằng tiếng Việt.
Là một người nước ngoài, Kim Hoan nói, em không muốn mình trở thành gánh nặng của nước Đức. "Em muốn cống hiến một chút gì đó vì chúng em đã được phép sống tại nơi này". Cũng vì lẽ đó màem rất cần cù trong học tập và hay giúp đỡ các bạn khác làm bài tập. Cha mẹ em từ rất sớm đã dạy em không nên tiêm nhiễm những thói hư tật xấu. Kim Hoan chẳng phải là trường hợp cá biệt. Phải lục lọi trí nhớ một lúc thật lâu em mới thấy có một người đồng huơng không học Gymnasium. Em không phải là học quá gạo so với các bạn cùng lớp. Chỉ là có cách học khác thôi.“ So với bạn gái thân nhất của em thì em còn lười hơn nhiều“.
Trên toàn cộng hòa liên bang Đức có 59% học sinh Việt nam học Gymnasium, Trong khi đó học sinh Đức chỉ là 43%, ông Olaf Beuchling nhà nghiên cứu khoa học giáo dục nói. Ông lấy các con số này từ các số liệu của cơ quan thống kê liên bang. Beuchling đang nghiên cứu tại ĐHTH Leipzig , đối chiếu các nghiên cứu về giáo dục và đã nhiều năm theo dõi thành tích học tập của các học sinh Việt nam.
Tại Sachsen, nơi có đông người Việt Nam thì khoảng cách với học sinh Đức lại còn lớn hơn. Tại đây có đến ¾ học sinh Việt Nam học Gymnasium, trong khi đó đối với học sinh Đức vẫn là 43%. Tất nhiên con số này có thể dễ dàng thay đổi vì có nhiều học sinh Việt Nam nhập quốc tịch và do đó số này được tính là người Đức.
Giáo dục ở Việt Nam có một vị trí rất khác so với Đức, ông Beuchling nói. „ Ai được học hành thì có thể thăng tiến và là niềm vinh dự của gia đình“..Từ nhiều cuộc phỏng vấn với các học sinh Việt Nam. Ông biết rằng nhiều học sinh chịu áp lực rất lớn. Và do đó có không ít các em gặp vấn đề tâm lý.
Bố của Minh Tuan Hoang (Hoàng Minh Tuấn?) cho con đi học từ sớm. „ Con phải thật chăm học và phải luôn luôn học giỏi hơn các bạn khác“, bố em nói.Cậu con trai học lớp 7 ở một trường Gymnasium của Dresden và học hành rất tự giác.. Em là một trong những học sinh nhất lớp. .“Tổng kết cuối năm vừa rồi, điểm trung bình của em là 1,3“, em học sinh Việt Nam tự hào nói.
Các đồng hương của Hoàng ngày nay ở Sach sen phạm tội cũng ít hơn hẳn những ngày đầu mới thống nhất nước Đức, Hoàng ,chủ tịch hội người Việt Nam tại Dresden nói. Nhiều nhà tuyển dụng còn gác lại các hồ sơ xin việc mang tên Việt Nam..“ Nếu con cái của chúng tôi không giỏi hơn người khác thì chúng sẽ thiệt thòi“.
Ở trường Gymnasium Dresden Bertolt-Brecht đặc biệt là có rất nhiều học sinh Việt Nam theo học. Có khoảng 70 trong tổng số 800 học sinh có nguồn gốc Việt Nam, thầy hiệu trưởng Marcello Meschke nói. Thầy công nhận rằng các học sinh Việt Nam có tác phong học tập rất tốt : Các em rất quan tâm đến thành tích cá nhân của mình. Ai trong các em mà muốn tốt nghiệp thì người đó cũng phải làm Abitur*** một cách hoàn chỉnh và tốt nhất. Ở đây tôi chưa hề biết có em nào bị trượt .
Chú thích: -Ảnh : Kim Hoàn Vũ
*:Lớp 1 học sinh chưa có điểm. Điểm số từ lớp 2 đến lớp 4 được tính để nếu đủ điểm thì lớp 5 hs mới được vào trường Gymnasium, sau đó học đến lớp 12 rồi làm tốt nghiệp (Abitur ),lên đại học. Nếu không thì sẽ học hệ 9 năm hoặc 10 năm, sau đó vào các trường học nghề.. Nghĩa là có thể nói, nếu lớp 2 học hành không cẩn thận thì đã không thể vào đại học.
**:Ở Đức không có lớp trưởng, chỉ có người phát ngôn. Bác Trần Đình Ngân đã có một bài rất hay viết về chuyện này và sau đó đăng trên Vietnamnet.
*** Abitur là kỳ thi tốt nghiệp lớp 12 của các trường Gymnasium. Học sinh từ lớp 11 đã được tính điểm và điểm Abitur cũng chỉ là một trong những điểm được tính nhưng có hệ số cao hơn. Điểm trung bình từ lớp 11 cho đến Abitur là cơ sở để xét tuyển vào đại học. Làm cách này học sinh không bị rơi vào cảnh học tài thi phận.



Thứ Bảy, 9 tháng 1, 2010

Bà Wagner

Bà Wagner ở cạnh cửa hàng nhà tôi . Bà bảo kể cả chính thức và không chính thức bà đã làm ở nhà trẻ 50 năm . Trong 50 năm ấy bà chỉ nghỉ phép thôi còn thì chưa bao giờ nghỉ ốm vì „nghỉ ốm thì ai cho bọn trẻ ăn ?“
Tôi về đây được ít lâu thì chồng bà chết . Thành ra khoảng hơn chục năm nay bà sống có một mình . Con cháu bà sinh sống ở Tây Đức còn bà từ nhỏ đến lớn sống ở Leipzig nên cuối đời chả muốn đi đâu nữa.
Bà Wagner già lắm rồi nhưng khi ra đường bà ăn mặc rất đẹp và sạch sẽ . Tôi để ý trong một ngày nếu phải ra đường hai lần thì hai lần ấy bà cũng không bao giờ ăn mặc giống nhau . Vì là sống một mình nên hàng ngày khi vào cửa hàng tôi bao giờ bà cũng nấn ná nói vài câu chuyện . Tính bà rất vui vẻ , lạc quan mặc dù bà bị huyết áp cao đã lâu . Hàng ngày vào khoảng tám giờ tối con gái bà (năm nay khoang 60 tuổi ) lại gọi điện hỏi bà đã đo huyết áp chưa và nhắc bà uống thuốc.
Mấy năm trở lại đây bà Wagner đi lại rất khó khăn nên khi nào bà mua hàng nhiều thì tôi lại xách hàng cho bà về nhà . Một lần như thế bà khoe với tôi một quyển sổ dày trong đó bà ghi tất cả những chuyện về trẻ con mà bà đã chứng kiến ở trong đời . Tôi hỏi bà viết để làm gì ? Bà bảo chỉ viết cho chính mình thôi ! Cả đời chả viết lách gì , suốt ngày chỉ sống và nghĩ về trẻ con . Nay về hưu không được nhìn thấy chúng nó nữa cho nên nhớ chúng nó như thế nào thì viết như thế. Liếc qua quyển sổ tôi thấy bà viết rất nắn nót và đẹp . Có câu chuyện chỉ dài hai ba dòng . Cách đây ít lâu bà bảo với tôi bà đã viết xong , Bà kể cho tôi nghe hai câu chuyện .
Chuyện thứ nhất : Có một lần bà đang đi dạo phố thì có một cơn gió rất to . Có một người đàn bà đi phía trước bị gió thổi bay chiếc mũ sang bên kia đường . Xe cộ dưới đường thì nhiều lại không đúng chỗ dành cho người đi bộ sang đường thành ra bà này rất lúng túng . Đúng lúc đó thì có một chiếc Jaquar dừng lại , một người đàn ông nhảy ra khỏi xe và chạy nhặt chiếc mũ . Sau đó ông này nhanh nhẹn sang bên đường và lịch sự trao lại cho người đàn bà chiếc mũ. Vừa lúc đó bà Wagner bước tới và nói với người đàn ông :- Ông đã làm một việc rất đẹp ! Người đàn ông quay lại nhìn bà Wagner, sững sờ một lúc, rồi thốt lên :- Cô Wagner ! Cô không nhận ra em sao ? Em đã ở nhà trẻ của cô mà . Ông ta cười rất rạng rỡ và nói thêm : Từ nhỏ cô đã dạy chúng em phải làm như thế !
Chuyện thứ hai : Có một lần bà đang ngồi trên ghế đá công viên môt mình, thì có một cậu bé khoảng 4-5 tuổi giật khỏi tay mẹ chạy đến hỏi bà Wagner : Bà ơi bà có gặp bà cháu không? . Bà Wagner ngớ người ra chẳng hiểu gì , thì cậu bé lại hỏi tiếp . Có phải bà vừa ở trên trời xuống không? Vừa lúc ấy thì người mẹ trẻ bước đến, đợi cho cậu bé chạy đi thì chị này nói với bà Wagner rằng bà cậu bé vừa mất . Cháu cứ hỏi bà đi đâu lâu thế nên chị nói với con rằng bà đã bay lên trời rồi và tất cả những người già đều sẽ bay lên trời .


Mùa đông ở đây nếu khi lao động nặng ở ngoài trời mà không đeo găng tay thì dù người có nóng toát mồ hôi thì tay vẫn bị cóng . Có một mùa đông khi đang khuân hàng ngoài xe vào , hàng thì nặng mà lại phải làm nhanh nên tôi toát hết mồ hôi nhưng tay lại cóng đỏ hồng . Phải khuân thật nhanh vì nếu không nhanh thì hoa quả sẽ đông đá hết , khoai tây nếu để lạnh lâu khi ăn sẽ ngọt lừ . Bia sẽ bị bật nắp xì hơi , các chai nước uống sẽ bị đông đá vỡ chai . Đúng lúc ấy thì bà Wagner đi qua . Nhìn tôi làm một lúc đợi lúc tôi lên xe lây hàng ra bà hỏi : tại sao ông không đi găng tay? Ông không có găng tay sao ? Tôi chỉ đống găng tay trên xe và bảo bà Wagner ơi , tôi có đủ các loại găng tay lao động , có cả loại cắt cụt để lộ ngón tay ra ngoài . Nhưng mang nó vào rât vướng víu . Vì thỉnh thoảng khi khuân vác tôi lại phải thò tay vào túi lấy bút viết , hoặc là bán hàng và vô số việc lặt vặt khác . Mỗi lần như thế lại mất thì giờ tháo găng ra , rất khó chịu.
- Thế khi tay ông cóng thì làm thế nào ?
Thú thật là dù đã lâu nhưng tôi vẫn không bỏ được kiểu ăn nói của lính tráng ở đơn vị . Cười cười tôi bảo mỗi lần bị cóng thì tôi chỉ cần đút tay vào túi quần và rút ra ngay là tay lại trở lại bình thường . Chỗ ây của tôi nóng lắm , nóng hơn của người khác !
Bà Wagner cười nghiêng ngả , chỗ bà đứng tuyết lại trơn tôi phải vứt hàng đấy chạy lại đỡ bà . Hổn hển bà nói lần nào nói chuyện với ông tôi cũng được cười .
Chỉ mấy ngày sau bà Wagner mang đên cho vợ chồng tôi mỗi người một đôi „ống tay „ bằng len mà bà tự đan lấy. Tôi gọi là ống tay vì nó là một cái ống bằng len dài đên khỉu tay . Ở phía gần cuối có khoét một cái lỗ để đut vừa ngón tay cái vào . Cái ống này rất to nên khi mang nó ta có thể trùm ra ngoài tay áo khoác mùa đông . Sau khi cho ngón cái vào cái lỗ thì bốn ngón còn lại vẫn tự do mà cái „ống tay „ ấy vẫn bám vào tay rất chắc chắn . Tất cả các thao tác đều không bị ảnh hưởng gì kể cả viết lách, lấy đồ vật trong túi hay lái xe . Từ ngày có cái „ống tay“ này cứ khi nào trời lạnh cóng là tôi đeo nó cả ngày khi làm việc, chẳng muốn tháo ra nữa


Vào khoảng giữa năm ngoái thì bà Wagner đổ bệnh nặng . Trước Nôen vừa rồi thì bà lên bàn mổ . Sinh nhật bà lại đúng vào ngày 31-12 . Buổi chiều hôm ấy con cháu từ Tây Đức sang tổ chức đón sinh nhật cho bà tại bệnh viện . Sau đó bà cứ lịm dần và trước giao thừa một chút thì bà ra đi.
Mùa đông năm nay lạnh quá , Cả châu Âu chìm ngập trong tuyết. Nước Đức giàu có là thế mà đã có chín người vô gia cư chết cóng . Hôm nay bão tuyết dữ dội . Như bao ngày khác tôi lại mang đôi „ống tay“ của bà Wagner hối hả khiêng hàng vào nhà . Nếu quả thật là tất cả những người già đều bay lên trời thì liệu trên cao kia bà có nhìn thấy đôi „ống tay“ này của tôi ? Tuy nhiên ngay lúc này đây tôi lại ngộ ra một điều : giữa mùa đông rét muốt những người xa lạ cũng có thể sưởi ấm cho nhau . Nếu như trong lòng ta có đủ HIỀN để quẳng vứt thờ ơ đi mà thay vào đó bằng quan tâm , thông cảm.